Ngày 22/3, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kế hoạch sửa đổi một số điều khoản trong hiến pháp hiện nay, một "di sản" của cuộc đảo chính năm 1980, để văn kiện này trở nên dân chủ hơn, nhờ đó "thêm sức nặng" cho lá đơn của Ancara gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu trong một cuộc hội thảo, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Cemil Cicek nhấn mạnh việc sửa đổi hiến pháp là công việc bắt buộc phải làm vì nỗ lực gia nhập EU của nước này.
Ông Cicek cũng cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng phái đối lập.
Trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ đưa một gói cải cách ra trưng cầu ý dân nếu quốc hội không đạt được đồng thuận trong việc thông qua gói cải cách này.
Theo ông Cicek, chính phủ muốn "nâng cao các chuẩn mực dân chủ" tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kế hoạch sửa đổi, số thẩm phán trong tòa án hiến pháp sẽ tăng lên 16 người và quốc hội có quyền được chỉ định ba trong số những người này.
Bất cứ đối tượng nào bị cáo buộc phạm tội chống phá nhà nước, kể cả sỹ quan quân đội, cũng sẽ được đưa ra xét xử tại tòa án dân sự.
Đồng thời cho phép những quân nhân bị hội đồng quân sự cấp cao tước quân tịch vì những cáo buộc dính líu hoạt động Hồi giáo cấp tiến được quyền kháng án.
Nội dung sửa đổi hiến pháp còn bao gồm một số điều khoản khác, cũng như thay đổi cách thức bổ nhiệm thẩm phán và công tố viên.