Mỹ công bố chiến lược an ninh mới

08:53, 28/05/2010

Tổng thống Mỹ Barack Obama từ bỏ học thuyết chiến tranh chống khủng bố của người tiền nhiệm George Bush, khi ông công bố chiến lược an ninh mới, kêu gọi sử dụng sức mạnh "vô địch" của Mỹ theo cách linh hoạt hơn.

 

Obama cũng hạn chế ý tưởng sử dụng chiến tranh phủ đầu, và nói rằng những nguy cơ lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ bao gồm sự sụp đổ về kinh tế, tình trạng ấm lên của trái đất, chiến tranh trên mạng, phổ biến vũ khí hạt nhân và các xung đột sắc tộc.

 

Chiến lược an ninh mới công nhận sự tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn vào các vấn đề toàn cầu của Nga, sự gia tăng quyền lực của các cường quốc mới như Trung Quốc và Ấn Độ.

 

"Để thành công, chúng ta cần nhìn nhận thế giới như nó vốn có", tài liệu về học thuyết an ninh mới của Mỹ nhấn mạnh.

 

Trong lần đầu tiên công bố học thuyết mới trước công chúng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tự tin khẳng định sức mạnh của Mỹ, nhưng nói rằng Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh đó một cách khôn ngoan và bớt trực tiếp so với trước.

 

"Sức mạnh của chúng ta không hề giảm", Ngoại trưởng phát biểu trước các chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ tại Viện Brookings hôm qua. Bà khẳng định rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ vẫn là "vô địch".

 

Tuy nhiên Mỹ đang "chuyển từ việc sử dụng và áp đặt sức mạnh trực tiếp sang gián tiếp, ảnh hưởng và tinh vi hơn", bà Clinton nói, và giải thích thêm rằng sức mạnh Mỹ được thể hiện trên nhiều mặt, từ các giá trị dân chủ đến sáng tạo công nghệ.

 

Học thuyết an ninh mới thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Mỹ kể từ khi Obama lên nắm quyền, đó là đề cao sự can dự. 16 tháng qua là thời gian Obama đưa những lý tưởng của mình áp dụng vào thực tế các cuộc chiến tranh và sự khắc nghiệt của tình hình địa chính trị thế giới.

 

Bà Clinton thừa nhận rằng trong thời đại ngày nay, việc áp dụng chính sách "ngoại giao chậm chạp và kiên nhẫn" là điều khó khăn hơn trước. Đề cập đến "sức mạnh thông minh" trong tài liệu này, ngoại trưởng cam kết sẽ sử dụng một loạt công cụ thực thi chính sách đối ngoại, từ ngoại giao, kinh tế, viện trợ phát triển đến sức mạnh quân sự và giáo dục.

 

Học thuyết mới kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn và "không ảo tưởng" đối với những nước được cho là kẻ thù của Mỹ như Triều Tiên và Iran, cảnh báo rằng các nước này sẽ chịu sự cô lập hơn nữa nếu vẫn tiếp tục giữ kín chương trình hạt nhân.

 

Học thuyết mới, dài 52 trang, vẫn duy trì quyền đơn phương tấn công quân sự của Mỹ, nhưng áp dụng với các điều kiện nghiêm ngặt hơn so với thời của tổng thống Bush.