Thủ tướng Thái Lan, hôm nay (6/5), nói rằng ông sẽ giải tán Quốc hội vào tháng 9 - đáp ứng một yêu sách chủ chốt của lực lượng biểu tình Áo Đỏ - nhưng kèm điều kiện họ phải ngưng chiếm đóng khu thương mại ở Bangkok.
Tiếp sau "lộ trình" hòa giải dân tộc hôm 3/5, các lãnh đạo biểu tình yêu cầu Thủ tướng Abhisit nêu cụ thể ngày giải tán Quốc hội trước khi họ rút khỏi cứ địa ở trung tâm thủ đô.
Tranh cãi chính trị gần 2 tháng qua ở Thái Lan đã biến thành khủng hoảng, làm tê liệt nhiều khu vực quan trọng ở Bangkok, gây tổn thất lớn về kinh tế và khiến bộ máy chính phủ gần như ngưng hoạt động. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình cùng một số vụ bạo lực đã cướp mạng sống của 27 người và làm gần 1.000 người bị thương.
"Nếu họ không về nhà, tôi sẽ không giải tán Quốc hội", ông Abhisit tuyên bố trong cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp trên đài ASTV.
Báo chí Thái Lan cũng trích lời ông Abhisit nói rằng Quốc hội có thể sẽ giải tán trong khoảng thời gian 15-30/5.
"Tôi nhắc lại, tôi sẽ không thương lượng với bất kỳ ai", ông Abhisit nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn và nói thêm rằng ông mời tất cả mọi người tham gia vào tiến trình hòa giải, "kể cả người biểu tình".
Trong khi đó, các thủ lĩnh Áo Đỏ lại đề ra một yêu sách trái ngược. "Người biểu tình sẽ không giải tán trước khi chính phủ thông báo giải tán Quốc hội", một thủ lĩnh tên là Nattawut Saikua tuyên bố. "Cần phải đạt được một thỏa thuận chung trước đã".
Thủ tướng Abhisit lưu ý rằng, các thủ lĩnh Áo Đỏ đã hoan nghênh kế hoạch hòa giải của ông, trong đó có đề nghị tổ chức các bầu cử mới vào ngày 14/11, khoảng một năm trước khi nhiệm kỳ của ông Abhisit kết thúc, nếu phe Áo đỏ ngưng biểu tình.
Thời hạn giải tán quốc hội là một điểm mấu chốt. Phe Áo Đỏ không chấp nhận đề xuất trước đó của ông Abhisit là sẽ thực hiện việc này vào cuối năm. Thủ tướng Thái Lan cho biết, ông muốn có đủ thời gian tại nhiệm để thông qua ngân sách quốc gia cho năm tiếp theo.
Thủ tướng Abhisit cho biết, kế hoạch 5 điểm của ông đã đáp ứng tất cả các yêu sách chính của người biểu tình, trong đó có tôn trọng nền quân chủ, tiến hành cải cách nhằm giải quyết bất bình đẳng kinh tế, giám sát báo chí thông qua một cơ quan giám sát độc lập, điều tra độc lập các vụ bạo lực liên quan tới biểu tình; sửa đổi hiến pháp công bằng hơn cho tất cả các phe đảng chính trị.
Tuy nhiên, các thủ lĩnh biểu tình nói rằng đề xuất của ông Abhisit quá mập mờ, cần phải được làm rõ hơn nữa.
Những người biểu tình Áo Đỏ bao gồm cả những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Họ cáo buộc Thủ tướng Ábhisit lên nắm quyền trái phép nhờ các thỏa thuận "hậu trường" và áp lực quân đội lên các nhà lập pháp.
Người biểu tình tuyên bố họ sẽ vẫn cố thủ ở khu thương mại chính ở
Cùng ngày, người Thái đã gạt sang bên những bất đồng chính trị để chào mừng 60 năm ngày Quốc vương đăng quang. Sự xuất hiện hiếm hoi của Đức Vua đã khiến hàng nghìn người đổ ra đường phố, miệng hô lớn "Chúc đức vua muôn tuổi".