Mỹ yêu cầu thông qua khoản chi bổ sung 50 tỷ USD

08:02, 15/06/2010

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa yêu cầu Quốc hội thông qua khoản chi bổ sung khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD để hỗ trợ phục hồi kinh tế và tránh sa thải hàng loạt công chức nhà nước.

 

Trong thư gửi các nghị sĩ Mỹ ngày 12/6, Tổng thống Obama nêu rõ khoản tiền 50 tỷ USD trên sẽ được cấp cho chính phủ các bang và địa phương nhằm tránh "sự sa thải hàng loạt các nhà giáo, cảnh sát và lính cứu hỏa, đồng thời để hỗ trợ hồi phục kinh tế vẫn còn mong manh".

 

Ông cho biết gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD được Quốc hội thông qua hồi năm ngoái đã giúp bình ổn nền kinh tế song chưa giảm được tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Năm vừa qua vẫn đứng ở mức 9,7% như một năm trước đây.

 

Bức thư của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghị sĩ của cả đảng Dân chủ của Tổng thống lẫn đảng đối lập Cộng hòa không muốn có thêm những khoản chi lớn do e ngại thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia đã tăng cao chưa từng có.

 

Tuy nhiên, ông Obama lý giải rằng khoản chi khẩn cấp này "sẽ giúp khu vực tư nhân khởi nghiệp để tạo ra nhiều việc làm, tránh sa thải hàng loạt lao động tại các bang và thúc đẩy phục hồi kinh tế". Ông khẳng định phát triển kinh tế mạnh là điều kiện quan trọng để giảm thâm hụt ngân sách.

 

Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Obama thông qua khoản viện trợ 24 tỷ USD cho các bang để kéo dài thời gian hưởng trợ cấp khẩn cấp của người mất việc làm. Ngoài ra, đề nghị của ông Obama về việc thông qua khoản tiền 23 tỷ USD nhằm tránh sa thải 300.000 viên chức ngành giáo dục cũng không nhận được sự ủng hộ của cả Hạ viện và Thượng viện.

 

Đầu tháng Sáu này, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Harry M. Reid thuộc đảng Dân chủ đã đưa ra chương trình nghị sự của Thượng viện, thảo luận vào tuần tới khoản chi khẩn cấp trị giá gần 50 tỷ USD cho các bang.

 

Có đủ 60 phiếu ủng hộ của Thượng viện để thông qua khoản chi nói trên là không dễ dàng vì nhiều Thượng nghị sĩ trong những ngày qua đã "vin" vào dự tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) để không ủng hộ yêu cầu của chính quyền Obama.

 

Theo CBO, khoản viện trợ cho các bang sẽ làm cho ngân sách thâm hụt thêm gần 80 tỷ USD trong thập kỷ tới và hiện nay, nợ quốc gia đã đạt đỉnh điểm, 13.000 tỷ USD, gần bằng 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).