Thế giới đang hết sức lo ngại tình hình ở Kyrgyzstan, do nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo đối với hàng triệu người của cả hai sắc tộc Kyrgyzstan và Uzbekistan.
Xung đột sắc tộc giữa người Kyrgyzstan và người Uzbekistan nổ ra vào rạng sáng 11/6, buộc Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm tại thành phố Osh, thủ phủ miền Nam Kyrgyzstan và các tỉnh Karasui, Aravan và Uzghen. Ngày 13/6, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã thành lập Hội đồng An ninh trực thuộc Tổng thống lâm thời để giải quyết tình hình tại khu vực miền Nam.
Tình hình an ninh tại Kyrgyzstan vẫn diễn biến hết sức căng thẳng bất chấp lệnh giới nghiêm. Theo thống kê mới nhất, đã có 113 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong các cuộc xung đột tại các tỉnh miền Nam.
Ngày 13/6, Bộ Quốc phòng Kyrgyzstan thông báo tổng động viên quân dự bị, tuổi từ 18 đến 50 và quân đội được quyền nổ súng mà không cần bắn cảnh cáo, trong khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp…
Tổng thống lâm thời Kyrgyzstan, bà Roza Otunbayeva cho biết hàng trăm nghìn người dân tại miền Nam nước này đang đang phải đối mặt với nguy cơ thảm họa nhân đạo, vì thế Chính phủ dự định sẽ sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho người dân.
Trước tình hình hết sức căng thẳng tại đất nước Trung Á này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã có cuộc điện đàm với Tổng thống lâm thời Kyrgyzstan Roza Otunbayeva. Tổng thống Medvedev đã kêu gọi lập lại trật tự, chấm dứt càng sớm càng tốt các cuộc xung đột sắc tộc làm nhiều người chết và bị thương, đồng thời cũng giải quyết ngay các vấn đề nhân đạo liên quan đến những người dân vô tội.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời của Kyrgyzstan đã thừa nhận rằng nước Cộng hòa này không đủ sức tự mình lập lại trật tự ở Osh và đề nghị Nga gửi lực lượng hòa bình đến Kyrgyzstan. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev giải thích rằng, chỉ có thể dành sự giúp đỡ như vậy trong trường hợp nếu Kyrgyzstan bị tấn công và biên giới quốc gia bị xâm phạm từ bên ngoài. Hiện thời bối cảnh ở Kyrgyzstan không phải là bị tấn công từ bên ngoài mà là xung đột nội bộ.
Uzbekistan đã mở cửa biên giới nước này cho những người di tản từ miền Nam Kyrgyzstan từ đêm 13/6 đồng thời lập các trại tỵ nạn ở một số khu vực dành cho những người chạy loạn, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB) nhóm họp ngày 14/6 để thảo luận về tình hình Kyrgyzstan. Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ điều một máy bay tới nước láng giềng Kyrgyzstan để đón các công dân Trung Quốc đang còn bị kẹt lại ở miền Nam Kyrgyzstan.
Miền Nam Kyrgyzstan là quê hương của cộng đồng gồm gần 1 triệu người thiểu số Uzbekistan và cho dù có căng thẳng, hai sắc dân vẫn chung sống hòa bình trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, kể từ khi có cuộc nổi dậy của người dân Kyrgyzstan trong tháng 4, lật đổ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev, tình hình an ninh đã xấu đi. Bạo lực mới đây là thách thức lớn nhất mà Chính phủ mới phải đối mặt.