Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua (12/7) đã cảnh báo Iran sắp có được khả năng sản xuất một quả bom hạt nhân. Đây được xem là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của điện Kremlin đối với chương trình hạt nhân của Iran kể từ thời của cựu Tổng thống Vladimir Putin đến giờ.
Nga – một đồng minh truyền thống của Iran, trong quá khứ thường áp dụng một lập trường hòa dịu và mềm dẻo hơn phương Tây trong vấn đề hạt nhân của nước CH Hồi giáo này. Tuy nhiên, Moscow hiện giờ đã trở nên cứng rắn hơn rất nhiều đối với Tehran.
Trong khi đó, Iran vẫn tiếp tục thách thức lời kêu gọi của quốc tế về việc ngừng các hoạt động làm giàu uranium nhạy cảm khi mới đây liên tục thông báo về những bước tiến trong chương trình hạt nhân của mình. Giám đốc Cơ quan Hạt nhân Iran – ông Ali Akbar Salehi hôm 11/7 thông báo Tehran đã sản xuất được khoảng 20kg uranium được làm giàu ở mức độ tinh khiết 20%.
Đề cập đến việc này tại một cuộc họp với các đại sứ Nga ở thủ đô Moscow, Tổng thống Medvedev cho rằng: "Iran rõ ràng đang tiến gần hơn tới việc sở hữu khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Như vậy, Tehran không phải đang hành động theo cách có lợi nhất". Ông Medvedev kêu gọi Tehran “hãy thể hiện sự công khai, minh bạch và hợp tác” với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc.
Moscow hồi tháng trước đã cùng với các cường quốc khác của thế giới nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Tehran. Tổng thống Medvedev đã nhắc lại quan điểm của ông là các biện trừng phạt thường không đem lại kết quả nhưng nhấn mạnh trong trường hợp của Iran thì các biện pháp trừng phạt có thể giúp các bên ngồi lại đàm phán với nhau.
"Bây giờ điều chúng ta cần là sự kiên nhân và nối lại các cuộc đối thoại với Tehran càng sớm càng tốt. Đây cũng chính là mục đích của nghị quyết trừng phạt mới vừa được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Và nếu biện pháp ngoại giao không thành công thì đó sẽ là sự thất bại toàn diện của cộng đồng quốc tế," ông Medvedev phát biểu.
Dấu hiệu tốt?
Việc Nga thay đổi lập trường từ hòa dịu sang cứng rắn đối với chương trình hạt nhân của Iran diễn ra đúng thời điểm quan hệ Nga-Mỹ đang ấm lên. Trên thực tế, mục đích chính của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc “cài đặt” lại quan hệ với Moscow là giành được sự ủng hộ của Moscow trong vấn đề hạt nhân Iran.
Washington đã rất vui mừng trước những động thái gần đây của Nga với Iran.
"Đó là phát biểu thẳng thắn nhất của Tổng thống Medvedev về chương trình hạt nhân của Iran từ trước đến giờ và nó nên được xem là một dấu hiệu tốt đẹp, chứng tỏ sự nhất trí ngày càng cao của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran," một quan chức của chính quyền Tổng thống Obama ở Washington đã phát biểu như vậy.
Moscow vốn là đối tác hạt nhân chính của Tehran. Nga đã giúp Iran xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên ở gần thành phố Bushehr. Nhà máy này dự định sẽ được khánh thành vào cuối năm ngay. Nga cũng đã nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái bất chấp nhiều nước tỏ ra nghi ngờ kết quả này.
Tuy nhiên, Nga ngày càng trở nên thất vọng và mất kiên nhẫn với việc Tehran không chịu công khai toàn bộ chương trình hạt nhân của nước này. Tổng thống Medvedev gần đây liên tục bày tỏ sự quan ngại về mục đích của chương trình hạt nhân Iran.
Ông chủ điện Kremlin tháng trước cho biết ông cảm thấy thực sự lo ngại về khẳng định của Mỹ cho rằng Iran đã có đủ nhiên liệu để sản xuất một quả bom hạt nhân.
Lập trường cứng rắn của Nga trong vấn đề hạt nhân Iran đã đem lại cho nước này mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ nhưng lại làm ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan hệ với đồng minh thân thiết Iran. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad từng cảnh báo Moscow đang mạo hiểm khi “bắt tay” với Washington – kẻ thù lịch sử của Tehran.
Các cường quốc phương Tây luôn nghi ngờ Iran đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Tehran bác bỏ cáo buộc này, khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.
Mỹ và Israel chưa bao giờ bác bỏ khả năng dùng sức mạnh quân sự để chấm dứt sự thách thức của Iran trong vấn đề hạt nhân mặc dù Nga và Trung Quốc luôn nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này chỉ nên được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.