Nhật Bản tổ chức bầu thượng viện

07:27, 12/07/2010

Cử tri Nhật Bản hôm qua bỏ phiếu để chọn các thành viên trong thượng viện. Sự kiện này được coi là cuộc trưng cầu dân ý đối với 10 tháng cầm quyền của đảng Dân chủ.

Theo AP, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy đảng Dân chủ (DPJ) của Thủ tướng Naoto Kan có thể mất một số vị trí trong thượng viện. Một trong những nguyên nhân khiến DPJ mất ghế là ông Kan từng cho rằng chính phủ phải tăng thuế trong những năm tới nhằm đối phó với tình trạng dân số giảm và tỷ lệ người già tăng.

 

Thượng viện Nhật Bản có 242 ghế và cứ sau ba năm thì một nửa số ghế sẽ được bầu lại. Mục tiêu của DPJ là giành 54 trong số 121 ghế được bầu lại trong thượng viện. Nhưng các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy nhiều khả năng DPJ chỉ giành được 50 ghế. Hiện tại DPJ đang liên minh với đảng Quốc dân mới và duy trì thế đa số mong manh trong thượng viện với 122 ghế.

 

Kết quả bầu cử không tác động trực tiếp tới vị thế của DPJ do đảng chiếm đa số tại hạ viện - cơ quan lập pháp có quyền lực cao hơn thượng viện. Nhưng nếu không giành được thế đa số ở thượng viện, DPJ sẽ gặp khó khăn trong việc thông qua các đạo luật và buộc phải liên minh với một đảng khác.

 

DPJ lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, chấm dứt sự thống trị gần như liên tục của đảng Dân chủ Tự do trên chính trường Nhật Bản trong 55 năm. Giới lãnh đạo DPJ từng hứa giảm thiểu những khoản chi ngân sách lãng phí, chấn chỉnh tình trạng hành chính quan liêu và tăng mức độ minh bạch trên chính trường. Trong 10 tháng qua, đảng đã ngăn chặn nhiều dự án, chương trình được cho là gây lãng phí. Nhưng thủ tướng đầu tiên của DPJ, ông Yukio Hatoyama, gây thất vọng cho cử tri vì không thực hiện lời hứa di chuyển một căn cứ của Mỹ ra khỏi đảo Okinawa và liên quan tới một vụ tai tiếng về tiền gây quỹ.

 

Đương kim thủ tướng Kan, người từng làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của ông Hatoyama, lên nắm quyền vào tháng 6 sau khi ông Hatoyama từ chức. Ông Kan cho rằng Nhật Bản cần tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để giải quyết khoản nợ công khổng lồ. Theo ông, nếu không giảm được nợ công, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ giống như Hy Lạp.