Hoà bình Trung Đông vẫn còn mơ hồ

08:23, 25/08/2010

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, ông sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình, nếu Israel chấm dứt lệnh tạm thời ngừng xây dựng khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. 

 

 

Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán trực tiếp giữa IsraelPalestine sẽ bắt đầu vào ngày 2/9 tới, tại Washington, Mỹ. Sự thành công của cuộc đàm phán đang khiến dư luận băn khoăn.

 

Trong các lần đàm phán trước các bên luôn giữ lập trường cứng rắn nên khó đạt được thoả thuận. Tia hy vọng lần này có vẻ rõ ràng hơn khi một người trong cuộc là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, việc Israel đạt được thoả thuận hoà bình với người Palestine tuy “khó khăn nhưng khả thi” và Israel và Palestine có thể khiến những người chỉ trích bất ngờ, nếu đạt được điều mà ông gọi là “thoả thuận lịch sử”.

 

Ông Benjamin Netanyahu nói: “Đạt được một thoả thuận hoà bình giữa IsraelPalestine rất khó, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Israel đến với cuộc đàm phán với mong muốn thực sự đạt được một hiệp định hoà bình giữa nhân dân hai nước, trong khi đó vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia, an ninh của Israel”.

 

Lời mời của Mỹ đã đẩy phía Palestine vào thế phải chạy nước rút. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố chấp nhận lời mời của Mỹ, nhưng đồng thời cảnh báo đàm phán sẽ gặp “hiểm nguy” nếu Israel không chấm dứt xây dựng tại các khu định cư Do Thái. Phía Israel có vẻ thuận lợi hơn khi tuyên bố đàm phán với điều kiện là phải bảo đảm an ninh cho Israel và công nhận Israel là một Nhà nước Do thái. Tuy vậy, nội bộ Israel không đơn giản như vậy. Mới đây, nội các hẹp của Israel (gồm bảy nhân vật quan trọng nhất của nội các) họp và ra nghị quyết không chấp nhận các nguyên tắc do Bộ Tứ nêu ra làm căn bản cho đàm phán trực tiếp. Thực trạng lập trường cách biệt của đôi bên trong cuộc cho thấy dù cuộc đàm phán trực tiếp có được khởi sự đúng hạn định của Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra đầy gay go, phức tạp.

 

Danny Dayan -một nhà phân tích chính trị người Palestine lo ngại về tương lai cuộc đàm phán: “Cuộc đàm phán đặt ra kỳ vọng, nhưng rồi nó sẽ mang lại sự thất vọng khi cuộc đàm phán không mang lại kết quả. Tôi sợ rằng, bạo lực lại xảy ra  đối với Trung Đông. Tôi sợ rằng, sự kỳ vọng sẽ kết thúc bằng sự thất vọng và rồi mang đến nhiều bạo lực hơn”.

 

Đòi hỏi bức bách nhất của phía PalestineIsrael phải ngưng xây dựng mới tại các khu định cư Do Thái, bởi nếu cứ tiếp tục thì có thể thấy Israel có chủ đích chiếm giữ lâu dài những diện tích đã chiếm đóng từ chiến tranh năm 1967. Mỹ đã ép Israel phải đáp ứng mức nào đó đòi hỏi chính đáng này của Palestine và ông Netanyahu đã tuyên bố hồi tháng 3 là tạm đình chỉ xây dựng mới tại các khu định cư cho đến thời hạn 26/9. Để giảm căng thẳng về chuyện “định cư”, Mỹ đưa ra giải pháp dung hòa, theo đó Israel sẽ ngưng hoàn toàn việc xây dựng mới tại các khu định cư nằm lọt bên trong lãnh thổ Bờ Tây, nhưng sẽ cho tiếp tục xây dựng ở các khu nằm trên đường ranh giới Bờ Tây - Israel. Nhưng 5/7 nhân vật cao cấp nhất của “nội các hẹp”, trong đó có cả Thủ tướng Nêtanyahu và hai phó thủ tướng, bỏ phiếu bác bỏ phương án này.

 

Tuy vậy, vào thời điểm hiện nay, cả phía Israel và Palestine đều đã nhận lời dự đàm phán. Thời gian đã được xác định. Đích thân Tổng thống Mỹ Obama sẽ dự phiên khai mạc đàm phán trực tiếp ngày 2/9. Tuy nhiên, kết quả cuộc đàm phán đến đâu vẫn còn phải chờ./.