Nga tưởng niệm 10 năm thảm kịch tàu Kursk

07:53, 15/08/2010

Lễ tưởng niệm 118 thủ thủ hy sinh trên tàu ngầm Kursk diễn ra khắp các căn cứ hải quân Nga hôm qua, trong khi thân nhân người xấu số thả hoa trên biển Barents, nơi xảy ra tấn thảm kịch.

 

Trên các tàu của hải quân và tại căn cứ, cờ được treo thấp và mọi người dành một phút tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong tấn bi kịch lớn nhất của quân đội Nga kể từ sau khi Liên Xô tan rã.

 

Con tàu ngầm hạt nhân Kursk chìm ngày 12/8/2000 trong một cuộc tập trận, làm chết 118 người trên tàu, hầu hết là các quân nhân ở tuổi dưới 30. Con tàu gặp nạn khi ở cách mặt nước khoảng 100 mét. Một số người trong tàu chết ngay sau vụ nổ vài giây, nhưng còn nhiều người sống sót và chờ đợi dưới tàu trong vô vọng.

 

"Đã mười năm rồi mà tôi vẫn cảm thấy như mới hôm qua", bà Lidia Panaria, mẹ của một thủy thủ trẻ tuổi chết trên tàu Kursk, nói bên mộ con trai ở St Petersburg. "Nghĩ đến sự đau đớn mà con tôi phải chịu, tôi tan nát cõi lòng. Giá tôi có thể làm được điều gì, kể cả chết thay cho con tôi!".

 

Cậu con trai Andrei 24 tuổi của bà mất mạng trên tàu Kursk. Ngày ngày, bà và em trai của Andrei vẫn ra mộ và hồi tưởng ký ức về anh.

 

"Tôi là giáo viên, không phải là chuyên gia quân sự", người mẹ nói tiếp với đài truyền hình Nga RT. "Vì thế tôi không biết liệu có thể tránh được thảm họa tàu Kursk hay không. Nhưng điều tôi biết là đáng ra đã có thể cứu nó. Các thủy thủ đáng ra phải được cứu sống".

 

Một số chuyên gia quân sự cho rằng nếu công tác cứu hộ tốt hơn, thì đã có thể có một số thủy thủ được cứu. Báo cáo điều tra về tai nạn tàu Kursk cho hay vụ nổ xuất phát ở khu chứa ngư lôi, khiến một số thủy thủ thiệt mạng. Tuy nhiên một số người khác đã kịp di chuyển sang khoang bên cạnh để chờ được cứu. Họ ở đó cho đến khi lượng oxy dự trữ cạn dần.

 

Một tuần sau khi thảm họa xảy ra, khi các thợ lặn vào được bên trong thân tàu, toàn bộ các thủy thủ đã hy sinh.

 

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến tàu Kursk chìm, như nó đụng với tàu ngầm của Mỹ cũng hoạt động trong khu vực, hay va phải mìn còn sót lại từ thời Thế chiến II. Nhưng dù nguyên cớ là gì, thì tổn thất về sinh mạng trong vụ tàu Kursk là điều gây đau đớn khôn nguôi cho thân nhân những người đã chết.

 

Giới quan sát cho rằng sau thảm kịch, quân đội Nga đã rút ra được những bài học kinh nghiệm. Tháng 8/2005, một tàu ngầm khác của Nga - tàu Priz - bị mắc vào chướng ngại vật và nằm bẹp dưới Thái Bình Dương ba ngày. Sau đó họ được một đội giải cứu mà Nga thuê từ Anh tới, cắt lưới và cáp vướng quanh tàu, đưa lên bờ. Các thủy thủ đều sống sót an toàn.