Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực mới

14:31, 16/08/2010

Dòng nước lũ kinh hoàng đang nhấn chìm nhiều khu vực của Pakistan, một mùa Thu nhuộm khói bụi vì cháy rừng tại Nga và các trận lở đất khủng khiếp tại Trung Quốc vẫn tiếp diễn… Thiên tai đang đẩy giá lương thực tăng với tốc độ đáng báo động trong ít ngày qua.

Người ta bắt đầu nói tới nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực mới, khi giá lúa mì thế giới bất ngờ tăng đến chóng mặt, hiện đã vượt 75% so với đầu tháng 7 để ấn định ở ngưỡng gần 263 USD/tấn. Mức giá đỉnh của mặt hàng này trong 2 năm qua đã ghi nhận đợt tăng nhanh kỷ lục của loại lương thực được tiêu thụ nhiều nhất trên hành tinh kể từ năm 1973. Xu hướng đáng lo ngại này lập tức kéo theo sự leo thang của nhiều loại ngũ cốc khác: gạo trắng 100% B của Thái Lan tăng 4%, đạt 475 USD/tấn, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 400 USD/tấn, so với 375-380 USD/tấn tuần trước và giá đậu tương, ngô… cũng đều trong đà đi lên.

 

Cơn thịnh nộ của thiên nhiên tàn phá nhiều quốc gia được xem là tác nhân quan trọng của đợt tăng giá lương thực mới nhất do sản lượng và cơ hội canh tác được dự báo sẽ sụt giảm mạnh. Đợt nắng nóng và khô hạn tồi tệ nhất trong vòng 130 năm qua tại Nga kèm theo hàng trăm đám cháy rừng phá hủy những cánh đồng lúa mì có diện tích tương đương với đất nước Bồ Đào Nha là tin dữ đang gây áp lực rất mạnh lên thị trường lương thực thế giới. Khoảng 20% tổng diện tích canh tác lúa mì của Nga phút chốc bị hoang hóa vì giặc lửa và thiếu nước, đưa sản lượng của quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới dự kiến xuống còn 79,8 triệu tấn, so với 97,1 triệu tấn của năm ngoái...

 

Trong bối cảnh đó, quyết định cấm xuất khẩu ngũ cốc từ ngày 15-8 đến hết năm nay nhằm ổn định thị trường trong nước của Điện Cremli thực sự tạo cú sốc và ngay lập tức gây tác động, đẩy giá lương thực trên thế giới đồng loạt tăng nhanh. Lo ngại khả năng nhiều quốc gia khác theo chân Nga nhằm bảo vệ kho lương trong nước, Ngân hàng thế giới (WB) đã kêu gọi các quốc gia xuất khẩu ngũ cốc không theo đuổi chính sách đó khiến việc kiểm soát giá cả tuột khỏi quỹ đạo mong đợi, gây thiệt hại lớn cho các nước nghèo. Tín hiệu khẩn cấp được phát đi vào thời điểm những vựa lúa mì khác của thế giới như khu vực biển Đen cũng đang điêu đứng vì hạn hán hay Canada, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới bị giảm 36% sản lượng vì mưa lớn. Thông tin sản lượng gạo Trung Quốc, quốc gia chiếm 35% lượng sản xuất gạo toàn cầu sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay buộc nước này phải nhập khẩu 174.000 tấn trong nửa đầu năm 2010... khiến nhiều người liên tưởng tới bóng dáng của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, khi quan hệ cung cầu có dấu hiệu mất cân bằng.

 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, số liệu của các chuyên gia quốc tế đang khẳng định sự an toàn về lương thực của thế giới. Tỷ lệ dự trữ ở mức 26%, cao hơn con số 20,3% khi khủng hoảng nổ ra 2 năm trước đây và khoảng gần 900 triệu tấn lúa mì của vụ sản xuất năm nay và năm ngoái cộng lại vẫn bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ 665 triệu tấn mỗi năm của loài người. Những vụ mùa bội thu sắp tới tại Mỹ và Australia nhờ thời tiết thuận lợi được hy vọng sẽ góp phần giảm sức ép về giá trên thị trường ngũ cốc toàn cầu trong những ngày tới.

 

Thế nhưng, cho dù có lạc quan để loại bỏ mối đe dọa từ một cuộc khủng hoảng lương thực từng gây ra bạo loạn ở nhiều quốc gia trên thế giới 2 năm trước, chúng ta cũng không thể bỏ qua một thực tế là giá lương thực đã không ngừng phi mã và ngày càng trở nên đắt đỏ với nhiều người dân, đặc biệt là những người nghèo. Như vậy, một cuộc khủng hoảng mới về giá đã hình thành từ cả những yếu tố ngoài quy luật cung - cầu. Nhiều người đã nhắc tới vai trò của giới đầu cơ trong cơn bão giá đang diễn ra. Vậy là, không thể chỉ quy trách nhiệm cho thiên nhiên; những quyết định của con người mới là yếu tố căn bản dẫn đến sự ổn định hoặc lung lay của thị trường hàng hóa nói chung và thị trường lương thực đang diễn biến phức tạp nói riêng. Những chính sách sáng suốt trên tinh thần sẻ chia từ những cường quốc lương thực là cực kỳ cần thiết vào lúc này. Nó sẽ tác động tích cực đến quá trình điều tiết trên phạm vi toàn cầu của các cơ quan chức năng, nhằm đẩy lùi nguy cơ thiếu đói từng đe dọa nhân loại không chỉ ngày hôm nay.