Pakistan: Chặng đường gian nan phía trước

10:17, 27/08/2010

Hoành hành chưa đầy 2 tuần, nhưng những gì lũ lụt để lại đối với người dân Pakistan đã là một thảm họa. Hơn 1.600 người thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương, khoảng 20 triệu người dân ở quốc gia Nam Á này bị ảnh hưởng, gần 1 triệu ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, 1,7 triệu hécta hoa mầu bị hủy hoại bởi các trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua.

 

Tuy nhiên, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Islamabad nói rằng những con số này trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều do hiện tại các cơ quan chức năng mới bắt đầu tiến hành đánh giá thiệt hại khi nước lũ đang rút dần. Lũ lụt đã gây tổn thất tới 43 tỷ USD. Ước tính tăng trưởng kinh tế năm nay của Pakistan chỉ từ 0% đến 3%, so với mục tiêu đặt ra trước đây là l4,5%. Chứng kiến thảm họa do thiên nhiên gây ra, ông Maurizio Giuliano, Người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), phải bộc bạch, hậu quả của đợt lũ lụt này còn tồi tệ hơn cả thảm họa sóng thần năm 2004 ở châu Á, động đất ở Pakistan năm 2005 và trận động đất xảy ra gần đây ở Haiti…

 

Cũng từ thảm họa xảy đến với quốc gia Nam Á này, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Các khoản viện trợ nước ngoài bắt đầu đổ dồn về Pakistan, chung sức giúp đỡ người dân nước này vượt qua khó khăn. Đến nay, Liên hợp quốc (LHQ) cùng khoảng 30 quốc gia đã cam kết giúp Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi, tổng số tiền thế giới ủng hộ và cam kết ủng hộ Pakistan hiện lên tới 815,58 triệu USD. Cầu hàng không của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng đã chuyển đồ cứu trợ khẩn cấp (gồm lều, ni lông tấm, màn và thùng chứa nước...) tới thành phố Quetta, miền Đông nam Pakistan để giúp đỡ những nạn nhân lũ lụt ở tỉnh Baluchistan… Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tiếp tục hối thúc các nước tăng cường viện trợ cho Pakistan, sau khi LHQ thông báo số người cần chỗ ở khẩn cấp sau trận lụt vừa qua ở Pakistan đã tăng lên 6 triệu người, hơn gấp ba so với ước tính ban đầu.

 

Vấn đề đặt ra đối với Islamabad hiện nay là việc giám sát viện trợ bên ngoài rót vào. Các nhóm vận động cứu trợ cho biết, các nguồn viện trợ vẫn còn chậm. Các tổ chức cứu trợ nhân đạo cũng đang gặp khó khăn trong việc vận động quyên góp trợ giúp Pakistan vì phương Tây thường liên hệ hình ảnh đất nước Pakistan với chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

 

Thực tế, nguy cơ này không phải là không có cơ sở. Bởi chính tại nơi "rốn" lũ - sào huyệt chính của tàn quân Taliban - đang hình thành một nguy cơ tiềm tàng khác. Đó là sự tái lập lại đội ngũ của các phần tử Taliban. Bằng chứng là tại khu vực Tây bắc Pakistan, nơi đang hứng chịu thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất, ngày 23-8, đã xảy ra 3 vụ đánh bom làm ít nhất 30 người đã thiệt mạng và 40 người khác bị thương. Cùng ngày, máy bay không người lái của Mỹ đã nã tên lửa vào huyện Bắc Waziristan ở Tây bắc Pakistan, giáp giới Afghanistan, tiêu diệt 13 phiến quân Taliban. Trước đó, lực lượng Mỹ cũng tiến hành một vụ không kích vào huyện Bắc Waziristan, tiêu diệt 4 tay súng Taliban. Tuy nhiên, các vụ không kích này ngày càng thổi bùng tâm lý chống Mỹ tại quốc gia Hồi giáo ở Nam Á này vì nhiều người thiệt mạng được cho là dân thường vô tội…

 

Khó khăn ngày một chồng chất lên chính quyền Islamabad. Bảo đảm nguồn viện trợ đến đúng địa chỉ cần đã là khó nhưng vấn đề giữ vững ổn định trong nước để tận dụng tối đa nguồn viện trợ quốc tế, giảm nhẹ mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng không hề đơn giản. Xem ra, chặng đường phía trước để Tổng thống Zardari chèo lái con thuyền kinh tế của Pakistan quá gian nan. Trong một diễn biến mới, ngày 23-8, tại Washington (Mỹ), các quan chức Pakistan đã thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các biện pháp ổn định nền kinh tế của nước này. Theo đó, IMF sẽ xem xét lại triển vọng kinh tế và ngân quỹ dành cho Pakistan, bởi ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của quốc gia Nam Á này đã bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua.