Quân Mỹ rút đi, cay đắng nào ở lại?

08:26, 03/09/2010

Sau tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của quân Mỹ tại Iraq của Tổng thống Barack Obama ngày 31/8 vừa qua, báo chí thế giới đã không ngừng mổ xẻ về những “được, mất” của nước Mỹ trong cuộc chiến hao người tốn của này.

 

Tạm thời không nhắc lại những tổn thất nặng nề có thể sẽ trở thành “quá khứ” đối với người Mỹ, nhưng phía trước cũng là không ít vấn đề. Washington sẽ viết tiếp gì vào cái mà họ gọi là “trang sử mới” tại Iraq? Rõ ràng quân Mỹ dù đã rút đi, nhưng nhiều cay đắng còn ở lại.

 

Chiến tranh chưa kết thúc! Đó là thực tế đúng nghĩa nếu nhìn cả từ hai phía Mỹ và Iraq. Với nước Mỹ, dù chiến dịch “Tân Rạng Đông” vừa được công bố chỉ rõ nhiệm vụ của gần 50.000 lính Mỹ ở lại Baghdad chủ yếu là huấn luyện lực lượng an ninh Iraq và hỗ trợ về mặt hậu cần cho các chiến dịch của Iraq. Nhưng đương nhiên trong bối cảnh an ninh hỗn loạn ở Baghdad, nơi các tay súng phiến quân không nao núng trước các mục tiêu cấp cao được bảo vệ nghiêm ngặt nhất như khu ngoại giao đoàn trong Vùng Xanh, nhiệm vụ “không tên” nhưng lại là quan trọng nhất với những lính Mỹ phải ở lại Iraq là bảo vệ chính bản thân họ.

 

Về phía Iraq, cuộc chiến vẫn tiếp tục bởi 2 lẽ: nội chiến sắc tộc chưa lắng dịu và thứ hai, nhiều người Iraq vẫn tuyên bố chiến tranh vẫn còn chừng nào chưa đuổi được lính Mỹ cuối cùng về nước. Và “cuộc chiến” lớn nhất đối với Iraq là tự xây dựng một tương lai cho mình trong rất nhiều bề bộn.

 

“Mỹ đã phải trả một giá đắt”! Lời thừa nhận của Tổng thống Mỹ Obama trong tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại căn phòng bầu dục – đúng nơi hơn 7 năm trước, cựu Tổng thống G.Bush đã đọc lời tuyên chiến với Baghdad dường như vẫn chưa đủ nói lên thực tế cay đắng mà nước Mỹ phải đối mặt. Nói một cách đầy đủ hơn, nước Mỹ sẽ còn phải trả thêm nhiều cái giá nữa. Về mặt chính trị, Tổng thống Obama đã không quá khó khăn để chấm dứt cuộc chiến tranh mà từ khi chưa lên nhậm chức ông đã luôn phản đối.

 

Song hoàn toàn sẽ không dễ dàng cho người đứng đầu Nhà Trắng để định đoạt những gì cần viết tiếp vào cái mà Washington gọi là “trang sử mới” ở Iraq, để không làm mất thể diện nước Mỹ và không ảnh hưởng đến những chính sách đối ngoại liên đới khác. Thêm nữa, chính quyền Mỹ sẽ còn phải đau đầu và “bị xấu mặt” khi chưa giải trình được rõ những thất thoát trong chi tiêu tái thiết ở Iraq, đặc biệt liên quan đến khoản tiền lấy từ nguồn thu dầu khí của quốc gia Vùng Vịnh này. Vụ việc lằng nhằng đến mức Ủy ban liêm chính Quốc hội Iraq Sabah al-Saedi còn đe dọa rằng Iraq sẽ khởi kiện để lấy lại số tiền này nhằm phục vụ công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước.

 

Về mặt kinh tế, Nhà Trắng sẽ phải giải đáp những thắc mắc vì sao doanh nghiệp Mỹ chưa quan tâm đầy đủ đến Iraq – nơi hiện Trung Quốc và một số nước khác đang đổ dồn tới đầu tư. Liệu Washington có dám thừa nhận đó là một “nước cờ tính sai” khi mà chỉ có 2 tập đoàn của Mỹ giành được các hợp đồng dầu khí tại Iraq? Cuối cùng nhưng lại là dai dẳng và khó khăn nhất là cái giá về mặt tâm lý.

 

Hội chứng chiến tranh thêm chồng chất trong xã hội điều mà người Mỹ vốn không “lạ” từ nhiều cuộc chiến tranh trước nhưng cũng không thể nào thấy “quen” được.

 

Iraq hóa cuộc chiến tại Afghanistan” là một khía cạnh mới trong chiến lược chiến tranh của nước Mỹ. Theo đó, hai giải pháp tăng quân tiếp viện và thành lập các nhóm dân quân bộ lạc từng cho phép dập tắt các cuộc nổi dậy tại Iraq sẽ được triển khai nhiều hơn tại Afghanistan.

 

Song dường như không phải là một ý hay khi tái diễn một chiến lược cho hai cuộc chiến hoàn toàn khác nhau. Những đau đớn “kiểu Iraq” có thể chồng chất thêm tại Afghanistan và cụm từ “chiến tranh” càng bao hàm ý nghĩa “bất tận” mà người dân Mỹ không bao giờ muốn nhắc đến./.