NATO với quan điểm chiến lược mới

13:29, 15/10/2010

Không khẳng định được mình qua cuộc chiến chống khủng bố, NATO dường như ngày càng quan tâm nhiều hơn tới một kế hoạch khác để chứng tỏ sự cần thiết phải duy trì cơ chế hợp tác quân sự như hiện nay.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa có cuộc thảo luận tại Brussels, Bỉ nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này sẽ diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha vào tháng 11 tới. Vì vậy, cuộc họp cấp Bộ trưởng NATO lần này có ý nghĩa quan trọng, giúp thống nhất quan điểm chiến lược mới giữa các nước thành viên trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi. Chiến lược mới của NATO là gì và nó tác động thế nào tới tương lai của liên minh quân sự này.

 

Tổng Thư ký NATO Rasmussen cho rằng, quan điểm chiến lược mới của NATO cần xác định các nguyên tắc phát triển của tổ chức trong 10 năm tới; đề ra những nhiệm vụ cơ bản và nêu lên những mối đe dọa chính đối với an ninh của các nước trong liên minh.

 

Trong bối cảnh thế giới tồn tại nhiều mối bất ổn như hiện nay, xem ra NATO không mấy khó khăn để đề xuất những ý tưởng chiến lược mới. Các thành viên NATO cho rằng có nhiều mối đe doạ mà họ phải đối mặt, như phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác; những tham vọng của các nhóm khủng bố quốc tế; sự duy trì dai dẳng của các cuộc cạnh tranh khu vực, sắc tộc và tôn giáo với những hậu quả ngấm ngầm; sự cạnh tranh về dầu lửa và các nguồn nguyên liệu chiến lược khác.... Có thể nói rằng, đây vừa là thách thức song vừa là những lý do “cứu cánh” cho NATO.

 

Trên thực tế, NATO ra đời từ thời kỳ Chiến tranh lạnh nhằm tạo thế đối trọng với Liên Xô cũ. Giờ đây khi Liên bang Xô Viết không còn nữa, đã có rất nhiều dấu hỏi được đặt ra về sự tồn tại của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này. Vì vậy, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng NATO nhấn mạnh các mối đe doạ đối với NATO thực chất là nhằm biện minh cho sự tồn tại của tổ chức này.

 

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm hơn là sau khi nêu ra các thách thức thì NATO sẽ có chiến lược hành động ra sao? Dễ thấy, NATO sẽ kêu gọi các thành viên tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu chung, mà quan trọng nhất có lẽ là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan mà NATO đang nắm vai trò chủ đạo. Song thực tế 9 năm qua tại Afghanistan đã trả lời khá rõ ràng cho câu hỏi về tính hiệu quả của các hoạt động đảm bảo hoà bình của NATO tại Afghanistan.

 

Với những tổn thất sinh mạng của binh sĩ liên quân ngày càng tăng, sự ủng hộ của dư luận đối với cuộc chiến ngày càng giảm mạnh, Mỹ và các nhà lãnh đạo NATO buộc phải tìm cách rút dần 150.000 binh sĩ nước ngoài khỏi chiến trường khốc liệt Nam Á. Sau những thất bại của NATO trong thời gian quá dài, dư luận đang hy vọng chính sự ra đi của NATO sẽ là chiến lược hiệu quả nhất tạo sự thay đổi tại “chiếc nôi khủng bố” Afghanistan.

 

Không khẳng định được mình qua cuộc chiến chống khủng bố, NATO dường như ngày càng quan tâm nhiều hơn tới một kế hoạch khác để chứng tỏ sự cần thiết phải duy trì cơ chế hợp tác quân sự như hiện nay. Đã nhiều lần NATO tuyên bố về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của khối này nhằm đối phó với nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia thù địch chẳng hạn như Iran. Tại cuộc họp lần này, vấn đề đó một lần nữa được nhắc lại. Song trên thực tế, NATO cũng không dễ làm theo ý mình khi điều đó đụng chạm tới lợi ích của Nga- một cường quốc quân sự trong khu vực.

 

Ngoài những hiềm khích từ quá khứ, Nga và NATO còn mâu thuẫn sâu sắc bởi Nga cho rằng NATO lập hệ thống phòng thủ trên không là nhằm vào Nga. Bên cạnh đó, các kế hoạch mở rộng của NATO với ý định kết nạp những nước nằm sát vách với Nga cũng bị chính quyền Moscow phản đối quyết liệt. Một khi NATO vẫn cần Nga như một đối tác không thể thiếu trong các chiến dịch chống khủng bố, chống tội phạm ma tuý, tội phạm trên biển... thì các hành động của NATO cũng không thể hoàn toàn “qua mặt” Nga. Nghĩa là chiến lược phòng thủ của NATO sẽ không thể mới nếu không có sự thay đổi trong quan điểm của Nga về vấn đề này./.