Ngày 27/11, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tỏ căng thẳng trước tin trang mạng WikiLeaks chuẩn bị công bố hàng triệu bức điện tín ngoại giao có thể gây bối rối cho Chính phủ Mỹ, buộc Washington phải chạy đua với thời gian nhằm hạn chế những tác động từ vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm này.
WikiLeaks không nêu cụ thể nội dung các bức điện tín hay thời điểm phát tán các văn bản này trên Internet, nhưng người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Dave Lapan, cho biết trang mạng này có thể thực hiện kế hoạch mới "vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau" với khối lượng thông tin nhiều gấp "7 lần" con số 400.000 tài liệu mật công bố trong tháng trước.
Theo hãng tin AFP, các bức điện tín mà WikiLeaks sắp công bố liên quan đến những thỏa thuận của Mỹ cũng như quan điểm bí mật của nhiều nước, trong đó có Australia, Anh, Canada, Israel, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, về cuộc chiến tại Iraq.
Các nhà ngoại giao Mỹ đang vội vã đến các cơ quan ngoại giao nước ngoài để trấn an những lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm của Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey cho rằng WikiLeaks có ý định gây trở ngại cho cơ quan ngoại giao Mỹ ở Iraq.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã yêu cầu WikiLeaks ngừng thực hiện kế hoạch ông cho là "vô cùng nguy hiểm" này.
Đại sứ Mỹ tại Canada đã gọi điện thoại cho Ngoại trưởng nước chủ nhà để thông báo tình hình, đồng thời cho biết Đại sứ quán Canada tại Mỹ sẽ "can dự" vào vấn đề này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley lên án các kế hoạch trên của WikiLeaks là "hành động vô trách nhiệm" có thể đe dọa sinh mạng và lợi ích của nhiều người. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã liên lạc với lãnh đạo các nước liên quan như Đức, Arập Xêút, các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Anh, Pháp và Afghanistan.
Theo báo Thương gia (Kommersant) của Nga, trong số các bức điện tín trên có các cuộc hội thoại giữa các nhà ngoại giao Mỹ và các chính khách Nga, cũng như các đánh giá trung thực của các quan chức này về cuộc chiến tranh Iraq. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự đoán đây chỉ là "đòn dọa dẫm" của một số phần tử tin tặc lang thang trên mạng.
Phương tiện thông tin đại chúng Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ các tài liệu sắp được công bố cho thấy Ankara hỗ trợ các phần tử thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeđa ở Iraq và Mỹ đã giúp các tay súng người Kurd ở Iraq chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu được công bố, thông tin này có thể gây tranh cãi gay gắt giữa hai đồng minh là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng thông tin này chỉ là lời đồn đại, song khẳng định về nguyên tắc, Ankara không dung thứ hay phớt lờ bất kỳ hành động khủng bố nào bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nhằm mục tiêu vào láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Iraq.
Theo báo Haaretz của Israel, giới chức nước này đã cảnh báo kế hoạch mới của WikiLeaks có thể gây ra những rắc rối lớn do liên quan đến các báo cáo trung thực từ Đại sứ quán Mỹ ở Israel.
Phát biểu trước Quốc hội Italy, Ngoại trưởng nước này Franco Frattini cho biết ông đã nhận được thông báo từ phía Mỹ rằng người chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ thông tin đã bị bắt giữ, có tin nói đó là một cựu nhân viên tình báo quân đội. Tuy nhiên, Chính phủ
Giới chức Australia, Anh, Đan Mạch, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đều xác nhận đã liên lạc với các nhà ngoại giao Mỹ sau khi nhận được tin báo.
WikiLeaks là trang web do lập trình viên máy tính người Australia Julian Assange sáng lập, chuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố.
Trong năm nay, trang mạng này đã đăng tải 400.000 trang tài liệu mật của Mỹ về cuộc chiến ở Iraq và hàng chục nghìn trang tài liệu tuyệt mật khác về cuộc chiến tại Afghanistan.
Thụy Điển mới đây đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với nhà sáng lập WikiLeaks với những cáo buộc phạm tội cưỡng hiếp và quấy rối tình dục.