Nhà khoa học đầu ngành, đứng đầu chương trình phát triển hệ thống tên lửa và năng lượng hạt nhân của Triều Tiên đã bị bắt vì tội "gián điệp và cung cấp bí mật quốc gia cho nước ngoài" - tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin hôm qua 10/11.
Ông Kim So-In, nhà khoa học hàng đầu của Viện Khoa học Quốc gia Triều Tiên cùng với gia đình đã bị Cục an ninh Quốc gia Triều Tiên bắt giữ từ hồi tháng 5/2010, tờ Chosun Ilbo dẫn một nguồn tin từ quan chức Triều Tiên cho biết. Sau khi bị bắt, ông Kim So-In đã bị đưa vào nhốt tại trại tập trung ở Yodok.
Ông Kim So-In bị buộc tội trợ giúp cha mình, nhà khoa học Kim Song-Il, người từng nghiên cứu tại Tổ hợp hạt nhân Yongbyon trong việc vận chuyển những tài liệu tối mật về công nghệ phát triển hạt nhân của Triều Tiên cho tình báo nước ngoài.
Ông Kim So-In ngay từ nhỏ đã được biết đến như một thần đồng toán học. Từ năm 13 tuổi, Kim So-In đã được đưa sang nước ngoài để nghiên cứu về vật lý hạt nhân. Sau khi về nước, ông được tuyển thẳng vào ĐH Bungang.
Tốt nghiệp ĐH, ông Kim được giảng dạy riêng tại ĐH Kim Il-sung và nhận bằng thạc sĩ khi 19 tuổi. Ông tiếp tục nghiên cứu và trở thành tiến sĩ ở tuổi 21.
Với bảng học vị cao đó, ông trở thành nhà khoa học danh tiếng nhất và nhận được chế độ ưu đãi đặc biệt từ chính quyền. Ông là người trực tiếp gửi báo cáo về chương trình hạt nhân lên Chủ tịch Kim Jong-il.
Cũng trong ngày 10/11, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc đăng bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nga Dimitry Medvedev cho biết, nước Nga bắt đầu cảm thấy "không được dễ chịu" và lo lắng đối với chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Khu vực tiến hành thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên ở rất gần nước Nga, chỉ cách lãnh thổ nước này khoảng 100 km. Đây chính là một trong những lý do gia tăng quan ngại của Tổng thống Medvedev về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
"Tham vọng phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang gây nên những căng thẳng trên phương diện chính trị và quân sự ở khu vực Bắc Á cũng như ở phần lãnh thổ phía Tây của Nga. Điều này thực sự khiến nước Nga cảm thấy không dễ chịu", ông Medvedev nói.
Theo giới phân tích, ông Medvedev được kỳ vọng là người có khả năng hàn gắn lại những bất đồng giữa Triều Tiên và phương Tây xung quanh vấn đề hạt nhân. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cũng cho biết, ông hy vọng vị tổng thống của Nga sẽ giúp khởi động lại bàn đàm phán hạt nhân 6 bên sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc tại Seoul.