Phản ứng quốc tế về giao tranh giữa hai miền Triều Tiên

11:11, 24/11/2010

Tổng thư ký LHQ chỉ trích vụ giao tranh. Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ đang theo dõi sát diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.

 

Ngày 23/11, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã chỉ trích vụ giao tranh bằng đạn pháo xảy ra ngày 22/11 giữa hai miền Triều Tiên,  làm ít nhất 2 binh sỹ Hàn Quốc bị thiệt mạng.

 

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) nói rằng, ông Ban Ki-moon lấy làm tiếc vì sự mất mát về người và bày tỏ sự cảm thông đối với các gia đình nạn nhân. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và cho rằng vụ việc này là nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

 

Tổng thư ký LHQ kêu gọi hai bên kiềm chế đồng thời nhấn mạnh rằng mọi khác biệt đều có thể giải quyết thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình.

 

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng đã chuyển những quan ngại của ông tới chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ. Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến triệu tập một cuộc họp khẩn cấp bàn về vấn đề này.

 

** Cũng trong ngày 23/11, theo giờ địa phương, Chính quyền Tổng thống Obama đã chỉ trích vụ giao tranh bằng đạn pháo xảy ra ngày 22/11 giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.

 

Tổng thống Mỹ Obama lên kế hoạch nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak về vụ việc này. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ vẫn kiểm soát được tình hình trong khu vực và còn quá sớm để Mỹ cân nhắc đến  một hành động quân sự nào.

 

Người phát ngôn của Nhà Trắng Bill Burton nói rằng Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Hàn Quốc và sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để có phản ứng phù hợp cho sự việc này. Ông này nói: “Tổng thống Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên không thực hiện nghĩa vụ của mình đúng  như hai bên đã ký trong Thỏa thuận ngừng bắn và CHDCND Triều Tiên cũng không tuân thủ luật pháp quốc tế”.

 

Ông Paven Lesacov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên của trường Tổng hợp Lomonosov cho rằng: “Nếu đường ranh giới trên bộ có thể dễ dàng hoạch định một cách rõ ràng, thì đường ranh giới trên biển Hoàng Hải lại chỉ do một phía Mỹ chỉ định và Hàn Quốc thì tính đường ranh giới này. Trong khi đó CHDCND Triều Tiên không công nhận điều này và theo quan điểm luật pháp quốc tế, họ có thể làm như vậy”.

 

CHDCND Triều Tiên chính thức tuyên bố là họ đã đáp trả những hành động khiêu khích. Nhưng liệu chiến tranh có xảy ra hay không và ở mức độ như thế nào? Hiện có một lượng lớn binh lính và trang thiết bị quân sự được bố trí dọc theo đường phân chia 2 miền Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên có lực lượng quân đội khoảng 1,5 triệu người và khoảng 7 triệu quân dự bị. Hàn Quốc có số quân ít hơn nhưng được trang bị hiện đại hơn.

 

Một điểm nữa là không ai biết được hiện CHDCND Triều Tiên đã sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạn nhân. Chỉ mới 2 tuần trước đây, CHDCND Triều Tiên đã công khai giới thiệu về trung tâm làm giàu uran của họ. Không ai có thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra.

 

R. Savelev, chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Viễn đông, Viện hàn lâm Khoa học Nga nhận định: Có thể nói rằng, chiến tranh nếu xảy ra sẽ trong thời gian rất ngắn, không giống như cuộc chiến tranh Triêu Tiên vào những năm 1950-1953 trước đây. Nhưng cuộc chiến tranh nếu có sẽ rất khốc liệt và có sức tàn phá to lớn. Tuy nhiên lần này cuộc chiến tranh sẽ phá huỷ cả 2 bên.

 

Trong lúc này, các lực lượng vũ trang Hàn Quốc được chuyển sang tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Các máy bay chiến đấu đã được triển khai.

 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đang chăm chú theo dõi diễn biến tình hình tại khu vực bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng đang diễn ra tại đây, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa thông qua quyết định nâng mức báo động sẵn sàng chiến đấu đối với quân khu miền Đông. Lực lược vũ trang của quân khu vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm theo đúng kế hoạch đề ra.

 

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng, vụ việc giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ở biển Hoàng Hải sẽ không dẫn tới sự tăng cường căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Lavrov nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi ngay lập tức áp dụng các biện pháp ổn định tình hình và không cho phép để xảy ra các sự kiện tương tự trong tương lai. Thật đáng tiếc, đây không phải là vụ việc đầu tiên. Mọi thứ ở đây đều có thể dẫn tới chiến tranh. Điều này thật nguy hiểm và cần phải sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn vụ việc”.

 

Trong lúc này, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Bosworth đang ở Nhật Bản trong chuyến công du châu Á nói rằng, các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không thể nối lại được trong hoàn cảnh nước này tiến hành chương trình làm giàu urani. Ông S. Bosworth cho biết hoạt động làm giàu urani của Triều Tiên vừa mới được tiết lộ là một diễn biến nghiêm trọng, nhưng không dẫn tới khủng hoảng và CHDCND Triều Tiên đã vi phạm một loạt các hiệp định quốc tế và Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

 

Phát biểu trước các phóng viên quốc tế tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ông Bosworth nói rằng Mỹ vẫn duy trì lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.