Thế giới báo động sau vụ tấn công của Triều Tiên

15:35, 24/11/2010

Nhiều nước bày tỏ sự phẫn nộ sau vụ việc Triều Tiên nã đạn pháo vào hòn đảo ở vùng tranh chấp với Hàn Quốc hôm qua.

Tổng thống Mỹ Barack Obama rất "tức giận" trước vụ tấn công trên hòn đảo Yeonpyeong. Vụ việc cũng bị lên án bởi các nước Nga, Nhật Bản và châu Âu.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi đó "một trong những vụ việc tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh liên Triều" và thúc giục hai bên kiềm chế.

 

Sau khi Triều Tiên nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc ngay lập tức bắn trả và đe dọa sẽ tấn công bằng tên lửa nếu tiếp tục bị khiêu khích. Quân đội Hàn Quốc đã tổ chức tập trận ở gần đó nhưng phủ nhận việc nã đạn trước vào Triều Tiên. Hai lính hải quân Hàn Quốc thiệt mạng khi hàng chục đạn pháo được nã xuống hòn đảo và rơi trúng vào một trại quân sự. Cả binh lính và dân thường đều bị thương. Hàn Quốc đã bắn trả 80 quả pháo. Thương vong ở phía bắc chưa được xác định.

 

Tại Washington, Tổng thống Obama gọi Hàn Quốc là một đồng minh quan trọng. "Chúng tôi khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc như một đồng minh", ông nói với ABC News. "Chúng tôi muốn chắc chắn rằng mọi đối tác trong khu vực nhận thức được rằng đây là mối nguy nghiêm trọng cần phải được giải quyết".

 

Ông cũng đặc biệt kêu gọi Trung Quốc đối thoại với Triều Tiên rằng "có những luật quốc tế mà họ cần phải tuân theo".

 

Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết sẽ duy trì lập trường thống nhất với các nước mạnh trong khu vực. Lầu Năm góc cũng cho biết sẽ hợp tác với quân đội Hàn Quốc để đáp trả Triều Tiên. Quân đội Mỹ hiện có 28.000 binh lính đóng tại Hàn Quốc.

 

Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết Tổng thư ký Ban Ki-moon "lo ngại sâu sắc về căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên".

 

"Tổng thư ký phản đối cuộc tấn công và kêu gọi hai bên kiềm chế tức khắc", BBC dẫn lời Farhan Haq nói.

 

Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ, đại sứ của Anh Mark Lyall Grant cho biết ông đã liên lạc với các thành viên khác để bàn biện pháp tiếp theo.

 

Ngoại trưởng Nga cảnh báo về "mối nguy hiểm khổng lồ" và nói rằng những người đứng đằng sau vụ tấn công này phải gánh một trách nhiệm to lớn.

 

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết ông đã yêu cầu các bộ trưởng phải chuẩn bị để có thể phản ứng chắc chắn khi có sự kiện bất ngờ nào xảy ra.

 

Liên minh châu Âu và Anh cũng lên án Triều Tiên, nhưng Trung Quốc - đồng minh chính của Triều Tiên thì từ chối buộc tội. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cả hai bên cần làm việc để đóng góp cho hòa bình khu vực.

 

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak gọi vụ việc là "xâm phạm lãnh thổ Hàn Quốc" và cảnh báo rằng những cuộc khiêu khích tiếp theo sẽ bị trả đũa mạnh mẽ, trong đó có tấn công tên lửa vào các vị trí của Triều Tiên.

 

Trong khi đó, quân đội Triều Tiên đổ tội rằng Hàn Quốc khiêu chiến trước. "Kẻ thù Hàn Quốc, bất chấp cảnh báo liên tiếp của chúng ta, đã có hành động khiêu khích quân sự khi bắn đạn pháo vào lãnh địa hải quân của chúng ta, gần với đảo Yeonpyeong vào lúc 1h chiều", hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho hay. "Triều Tiên sẽ bắn trả nếu Hàn Quốc dám xâm phạm hải phận của chúng ta dù chỉ 0,001 mm".

 

Đã có vài cuộc giao tranh qua biên giới kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc mà không có hiệp ước hòa bình vào năm 1953, nhưng vụ việc mới nhất xảy ra vào lúc căng thẳng trong khu vực đang tăng cao. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il được cho là đang bị ốm và sẽ chuyển giao quyền lực lại cho con trai út là Kim Jong-Un.