Châu Á nổi bật trong khủng hoảng

09:21, 27/12/2010

Trong bức tranh kinh tế thế giới đượm màu xám trong thời khủng hoảng 2008 - 2009, châu Á đã nổi lên là một điểm sáng vượt qua khó khăn để vươn lên.

Tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ phụ thuộc vào châu Á

 

Theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì tăng trưởng của châu Á vẫn đạt tầm 4,5% trong năm 2009 trong bối cảnh thế giới tăng trưởng chỉ trên 0 một chút, thậm chí nhiều nước vẫn tăng trưởng âm và một số trường hợp còn đối mặt với phá sản quốc gia như Dubai hay Hy Lạp.

 

Quả vậy, các số liệu gần đây của nhiều nền kinh tế khu vực châu Á đang cho thấy tốc độ phục hồi nhanh hơn dự đoán.

 

Đơn cử, các nền kinh tế Trung Quốc, đặc khu Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc ước đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm 2009.

 

Trên cơ sở đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã mạnh dạn nhận định, phần nhiều sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ phụ thuộc vào châu Á. Nói cách khác, châu Á sẽ là đầu tàu phục hồi kinh tế thế giới 2009.

 

IMF nói rõ trong năm 2010, các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng mạnh hơn với tốc độ trên 5%, trong khi con số này của các nước phát triển là 1,3%. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á ước đạt 7,3%, so với 1,5% của Mỹ, 1,7% của Nhật Bản và 0,3% của khu vực đồng euro (Eurozone). Với tỉ lệ 9%. Trung Quốc sẽ là nước “vô địch thế giới” về tăng trưởng kinh tế trong năm tới, tiếp theo là Ấn Độ (6,4%), còn cuối danh sách là Đức (0,3%) và Italia (0,2%). Tính riêng khu vực châu Âu, kinh tế Anh dự báo sẽ cùng với Pháp dẫn đầu châu lục về tốc độ tăng trưởng trong năm 2010, với tỷ lệ 0,9%.

 

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng nền kinh tế toàn cầu 2009 - 2010, Trung tâm Nghiên cứu khoa học kinh tế (OFCE) dự báo châu Á là khu vực có khả năng thích ứng khá linh động với những biến động để phát triển thời gian qua với các nền kinh tế lớn đang phát triển tại châu Á  như Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Việt Nam và ở mức độ thấp hơn là Philippin đã tránh rơi vào khủng hoảng, đồng thời duy trì được đà tăng trưởng tương đối ấn tượng.

 

Vượt khó nhờ đã có bài học

 

Theo giới chuyên gia, kinh tế của các nước đang phát triển ở châu lục này đã vượt qua được tình trạng khó khăn nhờ bài học sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các nền kinh tế đó đã trải qua quá trình chuyển đổi sâu rộng và mang tính hệ thống về cơ cấu hoạt động, giúp họ có sức mạnh mới về mặt cơ cấu tổ chức.

 

Chính phủ các nước khu vực này đã giảm bớt áp dụng chính sách can thiệp trong ngành công nghiệp, ngừng “hà hơi tiếp sức” cho các công ty hay tổ chức làm ăn kém hiệu quả, trong khi cải thiện đáng kể công tác điều hành và quản lý doanh nghiệp.

 

Đồng thời nhu cầu chi tiêu tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ trong nước đã giúp các nước khu vực này giảm thiểu được những tác động tiêu cực của tình trạng xuất khẩu bị bóp nghẹt bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

 

Theo ADB dự báo, trong những năm tới, dấu ấn của châu Á trên toàn cầu sẽ càng rõ nét hơn. Thách thức với khu vực sẽ là mở rộng phạm vi cũng như cấu trúc của sự cởi mở kinh tế, Đồng thời đánh giá lại tốc độ tham gia toàn cầu hóa.

 

Song để khai thác tốt tiềm năng, các nước khu vực cần khắc phục và giải quyết những thách thức nảy sinh từ cơ cấu sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng mà hiện đang tác động đến thị trường dầu mỏ và khoáng sản đồng thời tạo ra sức ép lạm phát trên thế giới.

 

Khi kinh tế thế giới phục hồi, một số sức ép cũ sẽ tăng trở lại và cộng hưởng với những ảnh hưởng của tình trạng lạm phát do các gói kích thích kinh tế công bố trong thời gian 2008 - 2009 gây ra.

 

Thực trạng đó buộc các nước châu Á phải tích cực hành động để hướng tới mô hình tăng trưởng tiết kiệm nhiều nhiên liệu và các nước phát triển cần hỗ trợ xu hướng này.