Iraq lại chìm trong bạo lực

17:08, 13/12/2010

Hôm 12/12, Iraq lại một lần nữa chìm trong bạo lực, khi xảy ra 3 vụ đánh bom liều chết khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

 

Trong vụ thứ nhất, ít nhất 17 người thiệt mạng và 23 người bị thương, chủ yếu là phụ nữ và người già, sau khi một kẻ đánh bom liều chết cho nổ tung chiếc xe của hắn bên ngoài khu vực công sở tại thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, miền Tây Iraq.

 

Vụ nổ xảy ra chỉ cách trụ sở Hội đồng tỉnh 200m và trong số 17 nạn nhân có 6 nhân viên cảnh sát. Phó tỉnh trưởng tỉnh Ana, ông Saadoun Obeid cho biết, do tắc đường nên kẻ đánh bom liều chết đã không thể lái xe đến gần cổng trụ sở Hội đồng tỉnh.

 

Một nhân chứng yêu cầu giấu tên cho biết: “Những người Mỹ đang lái xe trên đường và khi xe của họ đi khỏi, cảnh sát giao thông mở đường cho xe cộ qua lại. Đúng lúc đó, một chiếc ôtô phát nổ ngay gần cổng chính khu vực công sở.”

 

Sau vụ nổ thứ nhất chỉ vài phút, cảnh sát Iraq lại phát hiện quả bom thứ hai được gài ở một bãi đỗ xe gần đó và được kích nổ từ một nơi khác, khiến tới 57 người bị thương.

 

Trong khi đó, một vụ đánh bom liều chết khác nhằm vào đoàn người hành hương dòng Shi'ite tại khu vực al-Gatoon thuộc tỉnh Diyala, cách thủ đô Baghdad 65km về phía Đông Bắc, làm 3 tín đồ thiệt mạng và 31 người bị thương.

 

Những vụ đánh bom đẫm máu xảy ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo chính trị Iraq đã đạt được sự nhất trí về việc thành lập chính phủ mới và khi các tín đồ Hồi giáo dòng Shi'ite ở Iraq đang kỷ niệm lễ Ashura kéo dài 10 ngày, khoảng thời gian linh thiêng nhất theo lịch của người Shi'ite.

 

Ông James Denselow, một chuyên gia về Iraq thuộc Đại học Hoàng gia ở London (Anh) nhận định, trong chừng mực nào đó, mức độ bạo lực đã giảm, song miền Tây Iraq vẫn bị chia rẽ sâu sắc và là địa điểm nguy hiểm. Ông Denselow nhấn mạnh, mặc dù Iraq hiện đã đạt được nhiều sự đồng thuận về chính trị hơn 6 tháng trước, song vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm cần được giải quyết và chừng nào những vấn đề đó chưa được giải quyết một cách thoả đáng, làn sóng bạo lực vẫn tiếp diễn tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.