Căng thẳng tiếp tục tại Bờ Biển Ngà

08:42, 12/01/2011

Bất chấp nỗ lực ngoại giao của cộng động quốc tế, tình hình phức tại Bờ Biển Ngà vẫn chưa thể lắng dịu.

  Cuộc bầu cử Tổng thống ngày 28/11/2010 tưởng chừng sẽ đưa đất nước Bờ Biển Ngà bước sang trang mới sau cuộc nội chiến đẫm máu 2002 - 2003. Tuy nhiên, sự đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo và ông Alassane Ouattara, người được quốc tế công nhận thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua đang đe dọa đẩy quốc gia Tây Phi này trở lại với nội chiến.

  Cùng với căng thẳng này, tình hình bạo lực cũng đang nóng lên tại Bờ Biển Ngà. Tuần trước đã có 33 người thiệt mạng và 75 người khác bị thương khi bạo lực nổ ra tại thị trấn Duekowe, phía Tây. Tại các khu vực khác ở nước này, ít nhất 210 người đã thiệt mạng kể từ sau cuộc bầu cử vừa qua.

 

Dòng người sơ tán khỏi Bờ Biển Ngà ngày một dài. Trước những căng thẳng chưa thể xoa dịu, hơn 20.000 người Bờ Biển Ngà đã tới Lyberia nhằm tránh cuộc nội chiến đang nhăm nhe trở lại với đất nước này.

 

Cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi với hy vọng chấm dứt khủng hoảng chính trị tại Bờ Biển Ngà, và thực hiện việc chuyển giao quyền lực hoà bình cho Chính phủ mới.

 

Ngày 9/1, tại thủ đô Abidjan của Bờ Biển Ngà, cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo đã tiến hành các cuộc gặp với Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo và ông Ouattara. Phát biểu sau khi kết thúc một ngày hội đàm với cả hai bên, ông Obasanjo ra tuyên bố bày tỏ "lạc quan" về triển vọng cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, ông vẫn không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự.

 

Trong tuyên bố mới nhất hôm 10/1, Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi chấm dứt việc sử dụng các phương tiện truyền thông để làm phức tạp thêm tình hình tại quốc gia này. Trong đó, Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ và yêu cầu hãng truyền thông RTI ngừng đưa những thông tin thiếu chính xác gây kích động bạo lực tại đây.

 

Phó Đại sứ Bosnia tại Liên Hợp Quốc Mirsada Colacovic, người đại diện Liên Hợp Quốc đọc tuyên bố này cho biết, Hội đồng Bảo an một lần nữa kêu gọi ông Gbagbo hợp tác với Liên minh châu Phi và Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tái khẳng định sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm vào ông Gbagbo./.