Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, thị trường tiêu dùng ở một số quốc gia châu Á trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trong khi người giàu bỏ tiền mua sắm không cần suy nghĩ thì người nghèo lại phải đắn đo từng đồng trước mức giá “leo thang”.
Hào hứng chi tiền dịp nghỉ lễ
Trong khi nhu cầu mua sắm ở Mỹ và châu Âu đang được thắt chặt, các thương hiệu toàn cầu lại đổ dồn về châu Á, nơi các chương trình mua sắm thường kéo dài từ Giáng sinh tới Tết Nguyên đán.
Tiền tệ ổn định và sự bùng nổ về du lịch đang tiếp thêm năng lượng cho nhiều lễ hội mua sắm tại các thủ đô châu Á như Tokyo, Bangkok, Seoul, Singapore..., mặc dù giới tiêu dùng vẫn thận trọng với một cuộc suy thoái trong tương lai.
Thiên đường mua sắm
Lau Chuen Wei, giám đốc điều hành Hiệp hội bán lẻ
Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, đồng Baht Thái, Ringgit Malaysia, đồng đôla Singapore, đồng Peso của Philippines và Rupiah của Indonesia đã lần lượt chứng kiến sự tăng giá mạnh nhất so với đồng USD trong năm 2010.
Tại Thái Lan, các nhà bán lẻ hẳn sẽ phải cám ơn mùa lễ hội cộng với tình hình chính trị được cải thiện, mối lo ngại về đồng Baht đã bình ổn trở lại. JIT Siratranont, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại Thái Lan cho biết: "Điều đó khiến người dân tự tin chi tiêu nhiều hơn trong mùa mua sắm đón năm mới này".
Tại Hàn Quốc, tình hình mua sắm dịp Giáng sinh và lễ tết cũng diễn ra hết sức sôi động. Lee Hae-Kyung, chuyên viên y, 33 tuổi cho hay, khoản tiền cô dùng mua quà Giáng sinh năm nay là 44 USD cho mỗi người bạn, tăng 5 lần so với năm 2009. "Không phải tôi kiếm được nhiều tiền hơn năm ngoái mà vì tôi muốn tiêu nhiều hơn do không khí có vẻ sáng sủa", cô cho biết.
Thực phẩm "sốt" cùng Tết âm
Trong khi những người có thu nhập khá và ổn định hào hứng mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán thì những hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải "gồng mình" chống chọi với giá lương thực tăng thường niên trong mỗi mùa lễ. Một số chính phủ ở các quốc gia châu Á đã phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá lương thực, tuy vậy, vẫn không thể nào đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhiều gia đình ở Ấn Độ đang tìm cách để đối phó với tình trạng khó khăn ngày càng tăng. Chủ một cửa hàng ăn nhỏ chuyên phục vụ các bữa ăn có lợi cho sức khỏe cho biết: Giá lương thực đã tăng 30 đến 40%.
Một chủ cửa hàng khác nói: "Tôi đã bán thực phẩm suốt 35 năm qua, nhưng chưa bao giờ tôi thấy lạm phát như bây giờ. Công việc làm ăn của tôi thực sự bị ảnh hưởng. Chỉ có một điều mà chúng tôi có thể làm, đó là học cách đối phó với giá tăng cao. Nhưng nếu tình hình vẫn tiếp tục thì chúng tôi buộc phải tăng giá đối với khách hàng".
Còn với các bà nội trợ thì giờ đây họ đang chuyển sang những món ăn khác có giá rẻ hơn. Họ cho rằng, phải có đầu óc sáng suốt lựa chọn mỗi khi đi chợ, bởi giá thì cứ cao lên từng ngày, trong khi khoản tiền tiêu của họ chỉ có vậy.
Giá thực phẩm ở các nước đón Tết Nguyên đán đang tăng "chóng mặt".
Nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tại các nước châu Á tăng là do sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế châu Á phục hồi nhanh nhất thế giới khiến nhu cầu cũng tăng lên. Đặc biệt, nhu cầu dầu và các loại năng lượng khác ở châu Á vẫn cao trong khi giá dầu và giá thực phẩm thế giới đang tăng. Theo Bloomberg, trong năm 2011, nhu cầu đường thế giới có thể đạt đến 24 triệu tấn trong khi nguồn cung có thể chỉ khoảng 20 triệu tấn. Ngoài ra, giá gạo quốc tế cũng cho thấy xu hướng tăng. Giá gạo Thái Lan từ 525 USD một tấn vào năm ngoái tăng lên 580-590 USD một tấn trong thời gian gần đây.
Tại Hàn Quốc, giá dầu và giá thực phẩm là yếu tố chính dẫn đến vật giá tăng. Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc cho biết: "Giá dầu tăng lên khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 của Hàn Quốc tăng 0,3%".
Tờ New York Times nhận định, trong tổng thể giá cả hàng hóa của các nước châu Á, giá lương thực chiếm tỷ trọng cao từ 30-35%, trong khi các nước Tây Âu chỉ từ 10-15%, nên dễ bị tác động của giá nông sản quốc tế.
Nỗ lực chống "bão giá"
Trước tình trạng giá cả "đến hẹn lại tăng" ở các nước châu Á, nhiều chính phủ đã tìm cách bình ổn giá tiêu dùng, đặc biệt là Trung Quốc, nơi có lượng người đón Tết âm lớn nhất thế giới. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đồng loạt đưa ra những cam kết mới về việc ổn định giá cả và nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu trước Tết Nguyên đán.
Hãng tin Reuters cho biết, phát biểu hôm 26/12/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định, Bắc Kinh sẽ giữ giá cả tiêu dùng ở mức hợp lý. Reuters còn dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã cho hay, trong một công văn do Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành cùng thời điểm này, các cơ quan này khẳng định, chống đầu cơ hàng hóa và các hành vi thao túng thị trường sẽ là ưu tiên hàng đầu của cơ quan mọi cấp thuộc Chính phủ nước này. Công văn này cũng yêu cầu thắt chặt giám sát thị trường thực phẩm và dược phẩm, đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan thực hiện hỗ trợ tầng lớp dân cư thu nhập thấp.
Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã phải "xả" kho hàng dự trữ của mình để bình ổn giá thị trường.
Hôm 23/12/2010, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố, nước này sẽ duy trì hoạt động chống thao túng giá cả trong năm 2011, tập trung vào các nhóm mặt hàng bông vải sợi, dầu ăn, ngũ cốc và rau quả. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, giới phân tích quốc tế nhận định, các nỗ lực chống lạm phát của Trung Quốc sẽ tập trung vào đầu năm 2011. Các chuyên gia của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase cho rằng, trong 6 tháng tới, Trung Quốc có thể đẩy mạnh tăng lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hút tiền khỏi lưu thông, đồng thời tiếp tục cho phép Nhân dân tệ tăng giá so với đồng USD. "Các động thái chính sách của Trung Quốc có thể diễn ra dồn dập trong những tháng tới, khi mà tỷ lệ lạm phát của nước này vẫn ở mức cao và nền kinh tế đối mặt nguy cơ tăng trưởng nóng", chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan Chase tại Trung Quốc, ông Wang Qian, nói với Bloomberg.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành một số biện pháp nhanh chóng và thiết thực để bình ổn giá tiêu dùng trước Tết như yêu cầu các công ty cung ứng dầu cam kết không được tăng giá trong vòng bốn tháng tới; Chính phủ yêu cầu một số công ty bột không được tăng giá đồng thời tăng nguồn cung cho thị trường; Bộ thương mại Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường nhập khẩu các sản phẩm lương thực còn thiếu và đẩy mạnh dự trữ quốc gia, đặc biệt là các sản phẩm như đường, thịt; Chính phủ nước này cũng đã tung ra thị trường một lượng lớn gạo, dầu, đường, các loại hạt ngũ cốc trong kho dự trữ để làm tăng nguồn cung và "hạ nhiệt" giá cả.
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ cũng đưa ra nhiều biện pháp chống "bão giá" trên thị trường nước này. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đang cân nhắc áp dụng một chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, nâng tỷ lệ lãi suất để giảm lạm phát mà khởi nguồn là tình trạng giá lương thực "leo thang". Chính phủ cũng thường xuyên đưa ra thị trường một lượng lương thực dự trữ nhằm bình ổn giá thực phẩm. Tháng trước, Chính phủ Ấn Độ đã bán 5 triệu tấn ngũ cốc và gạo với giá rẻ cho người dân. Mặc dù có trữ lượng lương thực vào loại lớn trên thế giới nhưng Ấn Độ cho biết nước này không chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2011 và ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước.