Cuộc tập trận Núi Anh đào giữa quân đội 2 nước báo hiệu sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Á
Ngày 27/1, quân đội Mỹ và Nhật Bản bắt đầu cuộc tập trận Núi Anh đào kéo dài một tuần ở khu vực đảo Kyushu, Nhật Bản. Bài tập là giả định có các cuộc tấn công bằng tên lửa, chiến tranh du kích và xâm lược toàn diện của quân đội nước ngoài vào Nhật Bản. Cuộc tập trận báo hiệu sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Á.
Khoảng 1.500 quân nhân Mỹ và 4.500 quân nhân Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong năm. Trung tướng Shunzo Kizaki, người chỉ huy quân đội Nhật Bản trong cuộc tập trận, cho biết các đơn vị sử dụng máy tính điện tử để giả định cuộc tấn công bằng tên lửa vào Nhật Bản. Một nội dung khác của cuộc tập trận là luyện tập chống tấn công của lính đặc nhiệm nước ngoài lên một hòn đảo chính ở cực nam của Nhật Bản. Trung tướng Kizaki không tiết lộ các chi tiết khác của cuộc tập trận.
Đặc điểm của cuộc tập trận là phụ thuộc nhiều vào giả định của máy tính điện tử hơn là thực tế trên biển, đảo. Trung tướng Kizaki cho rằng cuộc tập trận lần này không nhằm vào bất cứ mối đe dọa cụ thể nào nhưng có tác dụng giúp cho Nhật Bản có năng lực toàn diện để đánh chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Nhật Bản.
Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, các cuộc tập trận thời gian qua tại khu vực này, trong đó có cả cuộc tập trận Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc đều nhằm để đối phó với những nguy cơ đối đầu từ CHDCND Triều Tiên. Chả thế mà trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã từng tuyên bố “những nguy cơ từ Triều Tiên là rất lớn và cần phải có những biện pháp ngăn chặn từ xa”.
Điều này được ngầm hiểu là sự răn đe thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn ngay sát khu vực biên giới của Triều Tiên. Bất chấp những tín hiệu tích cực gần đây ở bán đảo Triều Tiên về thỏa thuận nối lại các cuộc đàm phán song phương liên triều cũng như đàm phán đa phương, Nhật Bản vẫn tỏ ra rất lo ngại về tình hình khu vực hiện nay. Thậm chí, phía Nhật Bản còn đang xem xét việc tăng cường lực lượng tàu ngầm của mình. Nước này cũng bày tỏ lo ngại về khả năng bị tấn công từ phía Triều Tiên.
Đó còn chưa kể, gần đây, Nhật Bản ngày càng lo ngại hơn về năng lực phòng thủ phía tây nam của mình, đặc biệt là khu vực xung quanh quần đảo Okinawa, sau khi một số tàu chiến Trung Quốc đi vào đường biển của Nhật Bản, và một sà lan Trung Quốc đi qua eo biển Miyako hồi tháng 4/2010.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng tỏ ra rất sốt sắng trong các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung tướng Benjamin Mixon, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, nói rằng, các cuộc tập trận với Nhật Bản được thiết kế để tăng cường năng lực phối hợp tác chiến giữa hai quân đội Nhật - Mỹ và để chứng tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với việc bảo vệ an ninh cho các đồng minh của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc gia tăng các cuộc tập trận ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt khi các cuộc tập trận này có sự hiện diện của Mỹ, sẽ là những tín hiệu không bình yên ở khu vực. Bởi chắc chắn nó sẽ gia tăng sự nghi ngờ từ phía Triều Tiên, Trung Quốc. Điều này gây bất lợi cho không khí đối thoại đang được tái khởi động trên bán đảo Triều Tiên.