Cuối tuần qua, Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Canada Stephen Harper đã bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 25-3 tại Hạ viện, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở nước này vào đầu tháng 5 tới.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ Canada do đảng Tự do đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của hai đảng Liên minh Quebec và Dân chủ Mới (NDP). Thủ tướng S.Harper đã không thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 156 phiếu ủng hộ và 145 phiếu phản đối. Các đảng đối lập cho rằng ông Harper đã lãnh đạo nền kinh tế Canada đi sai hướng và quá bí mật các khoản chi tiêu như: kế hoạch mua 65 máy bay tàng hình của Mỹ, giảm thuế doanh nghiệp, xem đó là thể hiện sự coi thường quốc hội và cản trở hoạt động của cơ quan lập pháp.
Trước đó, cả ba đảng đối lập tại Hạ viện là đảng Tự do, Liên minh Quebec và NDP đều đã bác bỏ Dự thảo ngân sách liên bang (DTNS) của chính phủ. Trong bối cảnh đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ chiếm thiểu số tại Quốc hội, DTNS 5 năm (2011-2015) cần được ít nhất một chính đảng đối lập ủng hộ thì mới có thể được thông qua. Với mong muốn DTNS được thông qua, chính quyền Harper đã buộc phải nhượng bộ vào phút chót để tìm kiếm sự ủng hộ của phe đối lập như: hỗ trợ các hộ gia đình sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, khuyến khích nhân viên y tế tới các vùng sâu, vùng xa... theo yêu cầu của NDP. Tuy nhiên, sự thể đã diễn ra không như ý. Lãnh đạo NDP Jack Layton giải thích: "Chẳng có điều khoản nào trong DTNS thuyết phục được tôi rằng, ông Stephen Harper đã thay đổi cách nghĩ, cách làm và chuẩn bị hợp tác với những đảng khác trong Quốc hội để dành ưu tiên cho tầng lớp trung lưu". Trong khi đó, ông Harper quả quyết DTNS là nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích cho người dân. Có sự khác biệt như vậy là hệ quả của hai cách nhìn nhận. Đảng Bảo thủ muốn cắt giảm thuế và thâm hụt ngân sách. Nhưng phe đối lập không tin tưởng vào mục tiêu cắt giảm ngân sách của chính phủ.
Thực tế, cuối năm 2008, Thủ tướng S. Harper đã một lần "thoát hiểm" khi cảm nhận được ý định của phe đối lập muốn tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ tại Quốc hội ngay trong phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ hè năm đó. Ông đã chiến thắng bằng cách cho ngưng hoạt động của quốc hội để chặn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà ông gần như chắc chắn bị thất bại. Đó là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo hiện đại trong Chính phủ Canada đề nghị và thành công trong ngưng hoạt động của quốc hội để tạm thời giữ ghế. Ông S.Harper đã phải sử dụng đến biện pháp được coi như là cuối cùng này chỉ hai tháng sau khi tái đắc cử. Giờ đây, lá bài này đã không thể được sử dụng lần thứ hai khi các đảng đối lập đồng loạt nhìn nhận Chính phủ của Thủ tướng Harper yếu kém của trong điều hành nền kinh tế đất nước. Như vậy, Chính phủ của Thủ tướng Harper là Chính phủ đầu tiên trong lịch sử Canada bị "lật đổ" trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Đầu tháng 5-2011, Canada sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử lần thứ 41. Cuộc vận động tranh cử đã chính thức mở màn vào kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua sau khi ông S.Harper yêu cầu Toàn quyền David Johnston giải tán Quốc hội và định ngày bầu cử. Đây sẽ là cuộc bầu cử thứ tư tại quốc gia Bắc Mỹ này trong 7 năm qua. Nhiều dự đoán đã được đưa ra, nhưng nhìn chung đều nhận định trong cuộc bầu cử sớm này, chính trường Canada không có nhiều khả năng thay đổi. Đảng Bảo thủ cầm quyền từ năm 2006 với 2 nhiệm kỳ chính phủ dù ở thế thiểu số nhưng vẫn hy vọng "lật ngược thế cờ" trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.