Phía Libya cho biết đã có thêm nhiều dân thường thiệt mạng, nhiều sân bay dân sự, cảng biển bị phá huỷ trong các vụ không kích mới.
Chiến dịch can thiệp quân sự của NATO và các nước phương Tây vào Libya nhằm thiết lập một vùng cấm bay bước sang ngày thứ 4. Đã có thêm nhiều thương vong, nhiều thiệt hại cho Libya. Trong khi đó, chia rẽ đang ngày càng sâu sắc trong nội bộ các nước phương Tây liên quan đến chiến dịch này.
Đêm 22/3, nhiều khu vực tại thủ đô Tripoli và các thành phố khác của Libya tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của liên quân gồm Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Canada…
Một người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ cho biết, liên quân đã bắn 20 quả tên lửa Tomahok vào các căn cứ phòng không và các mục tiêu khác ở Libya.
Theo người phát ngôn, những quả tên lửa Tomahok đã được bắn đi từ tàu chiến và tầu ngầm của Mỹ, Anh.
Trong khi đó, hỏa lực hạng nặng chống máy bay đã chiếu sáng bầu trời Tripoli và những tiếng nổ lớn có thể nghe thấy khắp thủ đô của Libya khi trời bắt đầu tối.
Người phát ngôn Chính phủ Libya, ông Mursa Ibrahim cho biết đã có thêm nhiều dân thường thiệt mạng, nhiều sân bay dân sự, cảng biển bị phá huỷ trong các vụ không kích mới. Lực lượng phương Tây cho biết sẽ tiếp tục các cuộc không kích ở Libya, đẩy mạnh mở rộng vùng cấm bay về phía Nam và phía Tây, cuối cùng mở tới thủ đô Tripoli.
Cùng ngày 22/3, Người phát ngôn quân đội Mỹ Vince Crawley thông báo một máy bay chiến đấu F-51E của Mỹ bị rơi tại Libya. Theo ông Crawley, máy bay này rơi là do sự cố kỹ thuật chứ không phải do bị Libyatấn công.
Chiến dịch quân sự tại Libya tiếp tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và người dân chính các nước đang tham chiến. Mặc dù đang có chuyến công du 3 nước Mỹ Latin, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn phải đối mặt với chí trích của các Nghị sĩ Quốc hội liên quan đến vụ tấn công Libya.
Nữ Nghị sĩ đảng Cộng hoà Candice Miller cho rằng, việc Tổng thống Obama ra lệnh tấn công Libya mà không có sự đồng ý chính thức của Quốc hội Mỹ là “không thể chấp nhận được”.
Tại Anh, đã xuất hiện làn sóng phản đối của người dân về chiến dịch tấn công Libya do Quốc hội phê chuẩn. Nhiều người dân lo ngại Anh sẽ bị sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài ở nước ngoài, trong khi nền kinh tế Anh đang gặp khó khăn và cần phải thắt chặt chi tiêu.
Rạn nứt cũng xuất hiện giữa các nước thành viên EU về chiến dịch quân sự Libya cũng như vai trò đứng đầu của NATO trong chiến dịch này. Italy một mặt cảnh báo các đối tác trong lực lượng đa quốc gia không biến chiến dịch này thành một cuộc chiến tranh với Libya, đồng thời cảnh báo sẽ không cho lực lượng các nước sử dụng căn cứ quân sự của nước này nếu NATO không đảm nhận vai trò chỉ huy chiến dịch tại Libya.
Bulgaria cũng cho rằng sự can dự quân sự của một số nước EU tại Libya là một hành động mạo hiểm. Na Uy đã quyết định tạm hoãn cử máy bay tham chiến cho đến khi có quyết định rõ ràng về người đứng đầu chiến dịch quân sự tại Libya. Thuỵ Điển, Luxembourg cho biết sẽ sẵng sàng tham chiến với điều kiện phải có sự đảm bảo từ NATO. Nga và Mỹ đã cho thấy sự bất đồng lớn liên quan đến chiến dịch can thiệp quân sự để thiết lập vùng cấm bay tại Libya. Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nga khi đang ở thăm Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói: “Hành động của lực lượng quốc tế tại Libya được thực hiện một cách cẩn trọng. Con số dân thường thương vong trong các cuộc tấn công của lực lượng quốc tế mà Tổng thống Libya Gaddfi đưa ra là một sự dối trá. Những cuộc tấn công mạnh mẽ đang diễn ra sẽ giảm dần trong những ngày tới”.
Về phần mình Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cho biết: “Đã có nhiều địa điểm dân sự bị phá hoại và dân thường Libya thiệt mạng trong các vụ tấn công của lực lượng liên quân. Chúng tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và một cuộc đối thoại giữa các bên tham chiến là biện pháp đáng tin cậy nhất để bảo vệ người dân”.
Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Boliviva chỉ trích và kêu gọi ngừng chiến dịch quân sự tại Libya. Các nước này cho rằng các hoạt động quân sự phải ngừng sớm nhất có thể để bảo vệ dân thường, cũng như mở đường giải quyết khủng hoảng Libya bằng đối thoại.