Phóng xạ tại Nhật Bản lan đến 6 nước tại 3 châu lục

14:25, 30/03/2011

Nhật đang đứng trước khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

 

Các nhân viên hỗ trợ khẩn cấp tại nhà máy điện Fukushima (Nhật Bản) đang cố gắng ngăn nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện chảy ra biển.

 

Plutonium, một nguyên tố phóng xạ, được cho là đã chảy ra từ một trong những lò phản ứng hạt nhân bị phá hủy, đã được tìm thấy trong đất gần đó.

 

Cơ quan y tế Anh công bố đã phát hiện phóng xạ tại khu vực Oxfordshire ở miền Đông Nam nước Anh. Tiếp theo sau đó, phóng xạ cũng đã được phát hiện tại thành phố Glasgow.

 

Hàn Quốc ngày 29/3 thông báo đã phát hiện chất xenon trong không khí ở tỉnh Gangwon (giáp với biển Đông Hàn Quốc) và phóng xạ iốt trên bầu trời 12 khu vực trên toàn quốc bao gồm cả thủ đô Seoul.

 

Tại Việt Nam, tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Bộ Khoa học và Công nghệ) tối 29/3 cho biết, đã phát hiện thêm chất phóng xạ i-ốt 131 (ký hiệu là I-131) tại một số khu vực ở Việt Nam.

 

Theo đó, Trạm quan trắc phóng xạ đặt tại Đà Lạt phát hiện ra I-131 có nồng độ thấp hơn ở Hà Nội. Tại trạm quan trắc khu vực Lạng Sơn cũng đã phát hiện được một số đồng vị nhân tạo trong không khí với hàm lượng nhỏ. Số liệu tại 2 trạm này cho thấy, nồng độ phóng xạ thấp so với tiêu chuẩn và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

 

Trước đó, Trung Quốc cũng thông báo phát hiện phóng xạ tại một số khu vực ven biển Đông Nam nước này. Tân Hoa Xã đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng, độ phóng xạ đo được mới nhất tại nhà máy Fukushima I của Nhật Bản cao gấp 100.000 lần mức bình thường. Nhật đang đứng trước khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.

 

Như vậy, cho đến nay, đã phát hiện phóng xạ tại 6 nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Philippines và Anh. Tuy nhiên mức độ phóng xạ rất thấp, không gây hại đến sức khỏe con người.

 

Trước tình hình động đất tại Nhật Bản, cổ phiếu công ty điện Tokyo Electric (Tepco), công ty quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, hạ tới 19% xuống 566 yên/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày hôm qua bởi dự báo chính phủ sẽ quốc hữu hóa công ty.

 

Sự phẫn nộ của công chúng cũng như khả năng công ty phải chịu các khoản nợ chồng chất từ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong 21 năm qua đã khiến người ta nói nhiều hơn đến khả năng Chính phủ Nhật tiếp quản công ty.

 

Ông Koichiro Gemba, một quan chức Chính phủ Nhật, trong ngày 29/3 nói đến việc quốc hữu hóa: “Tất cả những khả năng người ta đang nói đến Tepco hoàn toàn có thể trở thành sự thật”. Yomiuri Shimbun, tờ báo phổ biến nhất tại Nhật đưa tin, Chính phủ Nhật đang cân nhắc nắm cổ phần lớn tại Tepco.

 

134 nước đề nghị hỗ trợ Nhật Bản

 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 29/3 cho biết, nước này đã nhận được đề nghị trợ giúp của 134 nước và vùng lãnh thổ, cùng với 39 tổ chức quốc tế kể từ sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3 vừa qua.

 

Các nhóm cứu hộ của 20 nước và vùng lãnh thổ đã được cử đến hỗ trợ Nhật Bản, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mỹ đã huy động khoảng hơn 20 nghìn quân nhân để chuyển hàng cứu trợ cũng như dọn dẹp các đổng đổ nát tại sân bay Sendai của Nhật Bản. Hiện một nhóm cứu hộ của Thổ Nhĩ Kì đang thực hiện các hoạt động nhân đạo giúp người dân Nhật Bản.

 

Cũng trong ngày 29/3, nhóm nhân viên y tế của Israel và  Ấn Độ cũng bắt đầu được triển khai để trợ giúp người dân Nhật Bản. Ngoài các nhóm cứu hộ, nhiều chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Anh và Australia cũng đã  đến Nhật Bản hỗ trợ người dân.

 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết,  29 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã gửi hàng hóa cứu trợ như thực phẩm, chăn màn, thuốc men cho người dân Nhật Bản.