Người tiêu dùng Trung Quốc chưa qua khỏi cơn sốc khi Chính phủ nước này phải đóng cửa gần một nửa trong tổng số 1.176 công ty sữa trên toàn quốc do không bảo đảm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm; lại bị thêm một cú "sét đánh" với thông tin bánh bao tại thành phố Thượng Hải bị tẩm hóa chất.
Ngay sau khi thông tin về bánh bao "bẩn" loang ra, Sở Công nghiệp và Thương mại thành phố Thượng Hải đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng bánh bao trên toàn thành phố. Ngay trong ngày kiểm tra đầu tiên đã có hơn 6.000 chiếc bánh bao đáng ngờ bị tịch thu. Giám đốc Cục Giám sát chất lượng và công nghệ quận Baoshan, Thượng Hải Tôn Hiểu Phượng cho biết: "Tại Baoshan có 255 công ty sản xuất thực phẩm. Chúng tôi kiểm tra tất cả cơ sở này trong vòng một tuần. Các nhà sản xuất không có giấy phép sẽ bị cấm hoạt động".
Cùng với cuộc kiểm tra của các nhà quản lý, Cơ quan an ninh Thượng Hải đã vào cuộc và tạm giữ 5 người của Công ty TNHH Thực phẩm Thịnh Lộc Thượng Hải liên quan đến vụ bánh bao tẩm hóa chất độc hại bị phát hiện. Cục Giám sát chất lượng kỹ thuật Thượng Hải cũng đã thu hồi giấy phép sản xuất của Công ty này sau khi phát hiện xưởng sản xuất bánh bao có nhiều nguyên liệu không an toàn cho sức khỏe. Giám đốc công ty Diệp Duy Lục cùng 4 nghi can thừa nhận, từ tháng 1 đến nay Công ty Thịnh Lộc đã sản xuất 84.000 hộp bánh bao (mỗi hộp 4 cái) và số bánh này được phân phối đến 10 siêu thị tại Thượng Hải.
Giữa lúc những thông tin về sữa nhiễm độc, bánh bao chứa hóa chất độc hại... khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại, đội kiểm tra an toàn thực phẩm thành phố Trùng Khánh lại vừa bắt quả tang một cửa hàng đang "phù phép" cho từng miếng thịt bằng một thứ bột màu trắng để trong chai nhựa. Chủ cửa hàng khai để tạo cho miếng thịt có màu hồng đỏ hấp dẫn, trông tươi mới đã dùng chất bột này thoa các mặt của miếng thịt, sau đó dùng khăn giấy thấm qua. Chỉ với cách thức đơn giản như vậy đã có ngay miếng thịt hồng hào như thể vừa "bước ra" từ lò mổ.
Các cơ quan hữu quan của Trung Quốc đang vào cuộc nhằm xử lý triệt để những vụ sản xuất thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Đây là biện pháp cần thiết để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Vụ sữa nhiễm độc, bánh bao chứa hóa chất độc hại... gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức kinh doanh. Chỉ vì lợi nhuận trước mắt, nhiều nhà kinh doanh sẵn sàng coi rẻ tính mạng con người.