Yuri Gagarin và chuyến bay lịch sử

08:29, 13/04/2011

Hôm qua (12-4), nước Nga đã tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm Ngày anh hùng phi công vũ trụ Yuri Gagarin lái tàu vũ trụ Phương Đông thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên vũ trụ (12/4/1961 - 12/4/2011). Lễ kỷ niệm chính thức được tổ chức ở Điện Kremlin.

 

Ngày 12-4-1961, nhà du hành vũ trụ người Nga 27 tuổi Yuri Gagarin bay vào không gian. Lần đầu tiên giấc mơ chinh phục vũ trụ của loài người trở thành hiện thực… Hôm đó, đúng 9 giờ 7 phút giờ Matxcova, các tên lửa đồng thời phát hỏa đưa con tàu Vostok I lao lên khoảng không, mang theo Yuri Gagarin. Gagarin đã trở thành người đầu tiên nhìn thấy trái đất từ bên ngoài. Theo mô tả của ông, nhìn từ khoảng không, trái đất có màu xanh nhạt còn các ngôi sao và hành tinh khác thì thấy rõ ràng hơn rất nhiều. Cả nhân loại đã vui mừng trước thành tựu chinh phục vũ trụ của Liên Xô. Sau chuyến bay, tên tuổi Gagarin đã vượt ra ngoài ranh giới quốc gia, trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm và khát vọng chinh phục vũ trụ của nhân loại.

 

Yuri Gagarin sinh ngày 9-3-1934 tại một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thành phố Gzhatsk (nay được đổi thành Gagarin), cách Matxcơva khoảng 180 km. Sau Chiến tranh Thế giới II, Yuri vừa học vừa tham dự các lớp kỹ thuật ở Gziatsk. Năm 1951, ông tốt nghiệp trung học và đăng ký ngành luyện kim tại Đại học Kỹ thuật Công nghiệp ở Saratov. Thời gian này, ông tham dự Câu lạc bộ bay của trường, và đã thực hiện chuyến bay độc lập đầu tiên năm 1955. Năm 1957, Yuri gia nhập Không quân Nga và học lái máy bay chiến đấu. Năm 1959, Yuri chính thức được chấp nhận tham gia khóa đào tạo để trở thành nhà du hành vũ trụ. Sau nhiều tháng tập luyện tại trung tâm huấn luyện Zvezdny Gorodok, Gagarin được chọn là phi công cho chuyến bay lịch sử.

 

Tàu vũ trụ Vostok mang theo Gagarin được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan). Yuri Gagarin đã bay một vòng quanh quỹ đạo và hạ cánh xuống khu vực gần làng Smelovka, tỉnh Saratovskaya  (phía Đông Nam phần lãnh thổ châu Âu của Nga), lúc 10 giờ 55 phút. Điểm gần trái đất nhất của quỹ đạo chuyến bay là 181 km, cao nhất là 327 km. Do sự cố trong bộ phận phanh của hệ thống đổ bộ, Gagarin đã hạ cánh lệch xa khu vực định trước. Những người dân đầu tiên đã gặp phi hành gia sau khi chuyến bay kết thúc là bà Anna Akimovna Takhtarova, vợ ông gác rừng, và Rita, cô cháu gái sáu tuổi của bà. Chẳng bao lâu sau, các quân nhân ở đơn vị quân đội gần đó kéo đến. Một nhóm chiến sĩ bảo vệ thiết bị đổ bộ, trong khi những người khác lái xe đưa Gagarin về doanh trại.

 

Sau chuyến bay, Yuri Gagarin trở thành anh hùng không chỉ ở Liên Xô hay hệ thống các quốc gia XHCN mà trên toàn thế giới. Gagarin đã thăm 30 quốc gia. Đến đâu ông cũng được đón tiếp hết sức trọng thể, có khi ông phải phát biểu tới 20 lần trong một ngày. Năm 1964, Gagarin trở thành phó lãnh đạo Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ. Ông tham gia vào việc soạn thảo và thực thi nhiều chương trình vũ trụ. Gagarin đã có các đóng góp  rất lớn cho việc chuẩn bị thực hiện các chuyến bay lên mặt trăng và là thành viên của phi hành đoàn của một trong số những con tàu tiềm năng bay lên mặt trăng trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, giấc mộng chinh phục vũ trụ của ông đã vĩnh viễn chấm dứt trong chuyến bay định mệnh ngày 27-3-1968 trên chiếc máy bay phản lực MiG-15.

 

Yuri Gagarin là niềm tự hào của người dân Liên Xô. Trong thập niên 1960 tại nước này có mốt đặt tên con là Yuri để kỉ niệm Yuri Gagarin. Trên lãnh thổ Liên Xô cũ có rất  nhiều đường phố, quảng trường, công viên, câu lạc bộ và trường học mang tên Yuri Gagarin.

 

Nhân ngày tròn nửa thế kỉ chuyến bay đầu tiên của con người  vào vũ trụ, nước Nga đã đề xuất kỷ niệm ngày vũ trụ ở cấp độ quốc tế. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Liên Hợp quốc. Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp quốc, ông Vitaly Churkin cho biết, có 40 quốc gia là đồng tác giả của nghị quyết này. Ông Vitaly Churkin nói, nước Nga  thực sự có những điều đáng để tự hào: người đầu tiên bay vào vũ trụ, nữ du hành vũ trụ đầu tiên, người đầu tiên bước ra ngoài không gian, chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ với ba phi hành gia, trạm không gian đầu tiên, các khách du lịch không gian đầu tiên trên tàu, chưa kể đến một thực tế là Nga đã và vẫn tiếp tục là đầu tàu của sự hợp tác quốc tế rộng rãi trong việc thăm dò không gian vũ trụ. Hoạt động kỷ niệm chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin còn được tổ chức trên quĩ đạo của trạm vũ trụ quốc tế ISS.

 

Trong khi đó, tại trụ sở Liên Hợp quốc cũng diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm chuyến bay lịch sử vào không gian vũ trụ của loài người, trong đó có cuộc triển lãm các bức ảnh hiếm và các tài liệu nói về cuộc đời của Yuri Gagarin và lịch sử thám hiểm không gian vừa được khai mạc. Tại New York,  nhà du hành vũ trụ thứ 100, ông  Oleg Kotov đã đến dự lễ kỷ niệm. Cùng với ông Mazlan Othman, người đứng đầu cơ quan Liên Hợp quốc về vấn đề không gian vũ trụ, ông Oleg Kotov sẽ tham dự hội nghị về triển vọng tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu không gian. Ông Sergei Krikalyov, người đứng đầu Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ mang tên Yuri Gagarin cho biết, kỷ niệm 50 năm chuyến bay có người lái đầu tiên, trên thân tàu “Liên hợp TMA-21” đưa các nhà du hành vũ trụ lên trạm vũ trụ quốc tế ISS có một bức chân dung của Yuri Gagarin, và như vậy, Gagarin dường như cũng đang trở lại trên quỹ đạo trái đất và ông sẽ ở lại trên không gian không phải là 108 phút như trong chuyến bay đầu tiên, mà là hơn 170 ngày đêm.

 

Sau Yuri Gagarin, đã có  khoảng 500 người từ hơn 30 quốc gia trên thế giới có mặt trên quỹ đạo gần trái đất và cả những người đã bước lên mặt trăng. Gagarin là người mở đường để nhân loại thực hiện giấc mơ ngàn đời chinh phục khoảng không gian bao la.