Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố sẽ gia hạn lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng thêm một năm với lý do nước này vẫn tiếp tục có những hành động đe dọa tới an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Tình trạng báo động về mối quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đã được chính quyền Tổng thống Bush tuyên bố vào năm 2008 trong Đạo luật các trường hợp khẩn cấp. Đến thời Tổng thống Obama, đạo luật này không những được mở rộng mà còn được áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng kể từ tháng 4/2011, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu trực tiếp cũng như gián tiếp các mặt hàng của Triều Tiên.
Ngày 23/6 vừa qua, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama đã khẳng định: "Việc chính phủ CHDCND Triều Tiên liên tục phát triển nhiên liệu hạt nhân sử dụng cho chế tạo vũ khí cũng như thi hành các chính sách bạo động đang đe doạ tới an ninh trên bán đảo Triều Tiên, gây nguy hiểm cho lực lượng vũ trang của Mỹ, ảnh hưởng xấu tới các đối tác khác trong khu vực; đồng thời tiếp tục làm gia tăng mối nguy hại đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại cũng như nền kinh tế của nước Mỹ. Vì những lý do đó, tôi khẳng định chính phủ Mỹ cần thiết phải tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trước những mối đe doạ đến từ Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tăng cường áp lực hơn nữa trong các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.”
Trên thực tế, Bắc Triều Tiên đã bị cấm thử nghiệm tên lửa hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo theo Nghị quyết 1718 của Liên Hợp quốc được ban hành ngay sau khi nước này tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào ngày 9/10/2006.
Tuy nhiên, 3 năm sau, Bình Nhưỡng lại tiếp tục tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ hai vào ngày 25/5/2009 sau một loạt các vụ phóng tên lửa tầm ngắn, đồng thời còn đe dọa sẽ cho xây dựng kho vũ khí hạt nhân quốc gia nhằm đáp trả những chính sách thù địch mà Mỹ đã áp dụng với nước này trong suốt thập kỷ qua.
Trước đó, vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản đã phải tạm ngừng vào tháng 4/2009 khi Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi bàn đàm phán trước quyết định trừng phạt của LHQ đối với việc thử nghiệm tên lửa của nước này.