Chính phủ Đức từ bỏ điện hạt nhân: Đẩy lui hiểm họa

08:12, 02/07/2011

Dự án "khai tử" điện hạt nhân của Chính phủ Đức lại vừa tiến thêm được một bước quan trọng nữa khi nhận được sự ủng hộ áp đảo tại Hạ viện.

 

Ngày 30-6, với 513 phiếu thuận, 79 phiếu chống và 8 phiếu trắng, Hạ viện Đức đã thông qua kế hoạch đóng cửa tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022. Dự luật trên còn phải đợi sự chấp thuận của Thượng viện mới có thể chính thức ban hành. Tuy nhiên, trở ngại sẽ gặp phải tại "cửa ải" này là không nhiều, vì hiện nay, đa số nghị sĩ Đức đều tán thành đề xuất từ bỏ điện hạt nhân của Chính phủ để tiến theo lộ trình phát triển năng lượng tái sinh đầy tham vọng.

 

Đến thời điểm này, 7 lò hạt nhân cũ kỹ nhất của Đức đã ngừng sản xuất điện. Theo kế hoạch Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel xây dựng, dự kiến, đến cuối năm 2021, phần lớn trong tổng số 17 lò phản ứng hạt nhân của Đức sẽ bị cho về "nghỉ hưu". Ba lò hạt nhân "trẻ" nhất còn lại cũng chỉ tiếp tục hoạt động thêm một năm nữa. Để bù đắp lượng điện thiếu hụt do từ bỏ năng lượng hạt nhân, Đức có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới và đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong dài hạn.

 

Quyết tâm giã từ năng lượng hạt nhân của Đức đang khiến cho cuộc tranh luận xung quanh việc sử dụng nguồn năng lượng này thêm phần gay gắt. Nhiều đối tác trong Liên minh châu Âu (EU), đi đầu là Pháp bày tỏ quan ngại về quyết định trên của Đức; đồng thời cho rằng động thái này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu điện và làm giá điện tăng vọt trong thời gian tới. Khẳng định không có gì có thể thay thế được năng lượng hạt nhân, cách đây ít ngày, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố đầu tư thêm 1,43 tỷ USD để phát triển điện nguyên tử. Cùng đồng hành với chủ nhân điện Elysée, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cũng kiên quyết theo đuổi kể hoạch tái khởi động chương trình hạt nhân dù có tới 94% số phiếu thăm dò dư luận phản đối. Trong khi đó, dù điện hạt nhân cung cấp tới 40% nhu cầu năng lượng, song Hạ viện Thụy Sĩ vừa bỏ phiếu ủng hộ đề xuất dừng mọi kế hoạch xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân và đóng cửa 5 nhà máy đang hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2034. Lo ngại động thái của Berlin sẽ khoét sâu thêm sự chia rẽ tại châu Âu, Cao ủy về năng lượng của EU Guenther Oettinger đã phải kêu gọi Đức nên phối hợp với các quốc gia khác trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân.

 

Thực ra, không phải tới bây giờ, nước Đức mới tính đến chuyện từ bỏ chiến lược hạt nhân dân sự. Khá lâu trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản, dân chúng Đức đã nói "không" với năng lượng nguyên tử. Hơn 70% ý kiến thậm chí sẵn sàng bỏ thêm tiền để được sử dụng điện an toàn. Cựu Bộ trưởng Môi trường và hiện là lãnh đạo nhóm nghị sỹ của đảng Xanh, ông Jürgen Trittin, đã đưa ra một phép tính cho thấy, nếu không có các lò phản ứng hạt nhân, trung bình mỗi gia đình Đức chỉ phải móc hầu bao thêm 1,5 euro/tháng cho tiền điện. Theo ông, với cái giá bèo như vậy, người Đức hoàn toàn lạc quan khi đưa năng lượng hạt nhân vào dĩ vãng. Thay vào đó, đầu tư nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế sẽ là cơ hội mang lại sự bùng nổ cho nền kinh tế Đức.

 

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ năng lượng hạt nhân sang các nguồn năng lượng tái tạo không phải không chứa đựng những yếu tố rủi ro. Vì các nhà máy phát điện bằng sức gió hoạt động hiệu quả chỉ có thể tập trung ở khu vực phía Bắc, sát với bờ biển Baltic. Do vậy, việc xây dựng các hệ thống truyền tải điện năng để chuyển điện từ Bắc tới Nam của Đức cần một số tiền đầu tư khổng lồ. Nếu không lên kế hoạch một cách tỉ mỉ, cuộc khai thác mới các nguồn năng lượng tái tạo có thể tốn kém hơn dự tính.

 

Bên cạnh đó, giới công nghiệp Đức cũng quan ngại nguồn cung năng lượng tái tạo có thể sẽ không ổn định, gây ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp so với khu vực. Đây có thể là yếu tố đe dọa vị trí đầu tàu kinh tế châu Âu của Berlin.