Cộng đồng quốc tế lên án về khủng bố tại Na Uy

16:32, 23/07/2011

Các nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc và cho biết sẵn sàng trợ giúp Na Uy sau vụ đánh bom làm rung chuyển thủ đô Oslo và vụ xả súng đẫm máu trên đảo Utoeya hôm qua (22/7).

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ đã bị sốc vì vụ đánh bom và xả súng ở Na Uy. Nhà lãnh đạo tổ chức lớn nhất thế giới lên án hành vi bạo lực của nhóm "Thánh chiến hồi giáo" và gửi lời chia buồn đến chính phủ cũng như gia đình các nạn nhân Na Uy. "Liên Hợp Quốc đồng hành cùng người dân Na Uy trong thời điểm kinh hoàng này", người phát ngôn của tổng thư ký là Martin Nesirky nói.

 

Ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký tổ chức quân sự NATO cũng khẳng định các nước thành viên của khối luôn đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố và bạo lực. Thay mặt NATO, ông Rasmussen gửi lời chia buồn sâu sắc đến chính phủ, người dân Na Uy cũng như người thân của các nạn nhân trong vụ đánh bom hôm qua.

 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng các vụ tấn công tại Oslo một lần nữa nhắc nhở trách nhiệm của cả cộng đồng thế giới đối với cuộc chiến chống khủng bố. Nhà Trắng kêu gọi các quốc gia tích cực hợp tác cùng nhau trong cả hoạt động tình báo và ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố đáng tiếc xảy ra.

 

Thủ tướng Anh David Cameron gọi điện chia buồn với người đồng cấp Na Uy Jens Stoltenberg về vụ đánh bom kinh hoàng tại Oslo. Người đứng đầu chính phủ Anh có chung quan điểm với tổng thống Mỹ về cuộc chiến chống khủng bố mà thế giới đang phải đối mặt. Ông cho biết Anh sẽ hỗ trợ và hợp tác cùng Na Uy về tình báo để truy bắt những kẻ đứng đằng sau vụ khủng bố này.

 

Cựu thủ tướng Na Uy và hiện là Tổng thư ký Hội đồng châu Âu, ông Thorbjorn Jagland, cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước các cuộc tấn công chấn động đất nước mình. Ông kêu gọi người dân Na Uy gạt bỏ nỗi sợ hãi và tiếp tục đấu tranh vì tự do và dân chủ. Hội đồng châu Âu khẳng định sẽ làm tất cả để đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức cùng cộng đồng quốc tế.

 

Chủ nghĩa khủng bố cũng đang là mối lo ngại của nước láng giềng Đan Mạch kể từ sau vụ tranh biếm hoạ Nhà tiên tri Muhammad 6 năm trước. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia DR News, Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen gửi lời chia buồn đến người dân và chính phủ Na Uy. Đồng thời, ông Ramussen cho biết chính quyền Đan Mạch đã liên lạc với các nhà chức trách Na Uy và theo dõi sát sao diễn tiến điều tra vụ việc.

 

Chiều 22/7, một vụ nổ lớn xảy ra tại trụ sở chính phủ Na Uy ở Oslo khiến 7 người chết và gây hư hại nặng cho văn phòng thủ tướng. Ngay sau đó là vụ xả súng tại trại thanh niên của đảng Lao động cầm quyền, làm ít nhất 80 người thiệt mạng. Vụ tấn công kép là sự kiện đẫm máu nhất tại Na Uy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Một nhóm tự xưng là "Thánh chiến hồi giáo toàn cầu" đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này. Thông điệp của nhóm cho hay chúng đánh bom là để trả thù việc Na Uy đưa quân đến Afghanistan và xúc phạm đấng tiên tri. Tuy nhiên, tính xác thực của tuyên bố trên vẫn chưa được làm rõ.

 

Trong khi đó, cảnh sát cho biết có khả năng chỉ một mình nghi phạm người Na Uy bị bắt trên đảo Utoeya đã gây ra cả hai vụ tấn công chiều 22/7 và sự kiện này được nhận định không liên hệ gì đến chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nhiều giờ sau các vụ khủng bố, cảnh sát Na Uy vẫn chưa thể thống kê hết số người chết và bị thương.