Nhật Bản sắp thay nội các: Thách thức nhiều hơn cơ hội

08:40, 14/08/2011

Cho đến giờ, gần như đã chắc chắn nước Nhật sẽ đón thủ tướng mới vào cuối tháng 8 này. Người đứng đầu chính phủ đương nhiệm Naoto Kan khẳng định sẽ ra đi ngay sau khi ba dự luật liên quan đến nguồn ngân sách bổ sung cho tái thiết sau thảm họa, trợ giúp tài chính qua trái phiếu mới và thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo được thông qua tại Quốc hội.

Ít có nghi ngờ về khả năng những dự luật được đặt ra như điều kiện để vị thủ tướng 64 tuổi từ bỏ chiếc ghế quyền lực sẽ bị làm khó tại cơ quan lập pháp Nhật khi cả đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền lẫn hai đảng đối lập lớn: đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công Minh đều muốn có một sự thay đổi chính phủ. Dường như, chính giới Nhật đã quen với chuyện thay đổi nội các như cơm bữa trong thời gian qua. Cuộc dời đổi lần này được nhìn nhận như việc phải có người chịu trách nhiệm về khắc phục thảm họa kép siêu động đất, sóng thần và hạt nhân được cho là chậm chạp đang làm lung lay vị thế xứ Phù Tang.

 

Không khó nhận ra những ngày cầm quyền thuận buồm xuôi gió sau thời điểm nhậm chức vào tháng 6 năm ngoái của ông N.Kan, nhưng cơn địa chấn kinh hoàng ở Nhật Bản đã làm đảo lộn tất cả. Không chỉ phe đối lập mà ngay cả nhiều thành viên của DPJ đã tỏ ra không hài lòng với cách ông N.Kan xử lý cuộc khủng hoảng kép. Niềm hy vọng về một giai đoạn chính trường ổn định đã tan biến khi tỉ lệ ủng hộ nội các liên tục rớt điểm và hiện đã xuống tới mức 15%, thấp nhất kể từ khi đảng trung tả DPJ lên nắm quyền cách đây hai năm. Mọi thông điệp đã quá rõ ràng và dù muốn hay không, dưới sức ép ngày càng tăng từ nhiều phía thì, rút lui là lựa chọn duy nhất mà Thủ tướng đương nhiệm có thể chọn.

 

Mặc dù vậy, cuộc đổi tướng tất yếu kéo theo sự thay máu nội các Nhật Bản và nhân vật có thể cài đặt lại sự vận hành của nước Nhật trên nền tảng những thông số yếu ớt như hiện nay vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, chắc chắn là sự ra đi của Thủ tướng thứ 6 trong vòng 5 năm qua cho thấy bất ổn chính trường là thách thức nghiêm trọng nhất của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á. Liên tục "người cầm lái" bị thay thế, các chính sách kinh tế Nhật Bản ổn định là một sự không tưởng. Song, trong bối cảnh đại gia kinh tế thế giới đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai và ảnh hưởng nghiêm trọng từ nợ công của hai đối tác lớn là Mỹ và châu Âu thì những gì đang đợi chờ tân nội các Nhật Bản sẽ là thử thách nhiều hơn cơ hội. Trong đó, bài kiểm tra lớn nhất là thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đang giảm phát khi các hoạt động tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu đã giảm đáng kể sau trận siêu động đất lịch sử hồi tháng 3.

 

Có điều, việc giải bài toán này là không hề đơn giản trong điều kiện Tokyo phải tiếp tục hạn chế chi tiêu ngân sách thêm 927 tỷ USD trong năm tài khóa 2011 để đối phó với tổng nợ quốc gia đã lên mức kỷ lục 943.800 tỷ yên (12.418 tỷ USD), tức là bằng 225% GDP. Tính trung bình, mỗi người dân Nhật hiện phải cõng trên lưng khoản nợ lên tới 7,38 triệu yên. Di sản này là không hề ngọt ngào trước bất kỳ nỗ lực nào mà chính phủ bắt buộc phải theo đuổi.

 

Do vậy, việc Nhật Bản đã nằm trong tầm ngắm của hãng đánh giá tín dụng Moody's với cảnh báo các chính sách can thiệp để hạ giá đồng nội tệ không hiệu quả như vừa qua sẽ nguy hại đến nỗ lực khôi phục tài chính đang là thông tin gây ớn lạnh trên hệ thống tài chính toàn cầu. Sau cơn sốc Mỹ bị S&P hạ tín nhiệm từ mức cao nhất AAA xuống AA+, nếu trụ cột kinh tế hàng đầu châu Á rơi vào kịch bản này chẳng khác nào một trận động đất hứa hẹn làm rung chuyển hệ thống kinh tế đang bề bộn nợ công trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, dư luận mong đợi, hành trình đổi thay chính trị đã được lựa chọn ở Nhật Bản mang đến những hiệu ứng tích cực cho chính đất nước này và củng cố sức mạnh của một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thế giới đang đứng trước bão táp.