Đề xuất thành lập một chính phủ kinh tế thực sự cho khu vực Eurozone, cùng với những cam kết tích cực đã được lãnh đạo 2 nước đưa ra.
Đêm 16/7 (theo giờ Việt Nam), sau khi kết thúc cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Merkel đã không phụ sự mong đợi của dư luận, khi đưa ra những cam kết tích cực cùng một số giải pháp đáng chú ý trong vấn đề quản lý khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Tại cuộc họp báo chung, lãnh đạo 2 nền kinh tế trụ cột trong Eurozone đã đồng lòng tái khẳng định tôn trọng các cam kết đã đưa ra, bày tỏ tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế châu Âu và thế giới, đồng thời nêu ra nhiều đề xuất cụ thể.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết: “Đề xuất đầu tiên là thành lập một chính phủ kinh tế thực sự cho khu vực Eurozone. Chính phủ kinh tế này sẽ bao gồm hội đồng các nhà lãnh đạo khu vực, nhóm họp 2 năm 1 lần và có thể nhiều hơn nếu cần và sẽ bầu ra một chủ tịch ổn định nhiệm kỳ 2,5 năm”.
Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp tại cuộc họp báo hôm 16/8
Ông Sarkozy và bà Merkel cũng đề xuất dành vị trí lãnh đạo mới này cho Chủ tịch hiện tại của Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy và nội dung này sẽ được thảo luận trong một bức thư gửi ông Rompuy vào ngày 17/8.
Cuộc gặp Pháp - Đức lần này ghi dấu với ý tưởng triển khai “nguyên tắc vàng” về thâm hụt ngân sách trước mùa hè 2012. Theo đó, các quốc gia thành viên châu Âu nên đưa quy định về hạn chế thâm hụt ngân sách vào Hiến pháp của từng nước.
Tổng thống Sarkozy nói rõ về việc triển khai nguyên tắc này tại nước Pháp: “Tại Pháp, nguyên tắc vàng này sẽ được đưa ra ra bỏ phiếu tại Hạ viện và Thượng viện. Thủ tướng Pháp François Fillon sẽ có những cuộc tiếp xúc cần thiết với các lực lượng chính trị khác nhau ở Pháp để xem, liệu có thể đạt được một sự đồng thuận về nguyên tắc vàng này hay không. Nếu đạt được đồng thuận, tôi sẽ triệu tập cuộc họp Quốc hội vào mùa thu tới. Nếu không, dĩ nhiên, cử tri Pháp trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ tự lựa chọn giữa một bên là các lực lượng chính trị cam kết tiến tới cân bằng ngân sách và bên kia là những lực lượng không có mục đích đó”.
Ngoài ra, 2 nhà lãnh đạo Pháp - Đức cũng đề xuất Ủy ban châu Âu, vào tháng 9/2011 khôi phục đánh thuế đối với các giao dịch tài chính. Thủ tướng Đức Merkel gọi khoản thuế này là một “sự cần thiết tất yếu” và tuyên bố này được xem là nhằm trấn an các thị trường tài chính đang chao đảo. Bên cạnh đó, Pháp và Đức cũng thống nhất hài hòa các khoản thuế đánh vào công ty chung giữa 2 nước.
Về vấn đề trái phiếu chung châu Âu, một lần nữa hai nhà lãnh đạo khẳng định quan điểm phản đối. Thủ tướng Đức không tin rằng đó sẽ là giải pháp cho những vấn đề hiện tại. Còn Tổng thống Pháp thì khẳng định trái phiếu chung nên là cái đích cuối cùng của tiến trình nhất thể hóa châu Âu. Nếu được đưa ra vào lúc này, nó có thể sẽ đẩy các nước có thành tích tốt vào vòng nguy hiểm.
Nếu nói về nhiệm vụ chính là trấn an thị trường, thì rõ ràng 2 nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã cố gắng thực hiện, nhưng xem ra rất khó thành công. Những phản ứng đầu tiên sau cuộc gặp là đồng euro tiếp tục trượt giá so với đồng dollar Mỹ, hay giá dầu thế giới vẫn giảm cho thấy các đề xuất mới của Pháp và Đức chưa giúp xoa dịu mối lo của giới đầu tư về nguy cơ kinh tế toàn cầu sẽ còn suy giảm./.