Syria: Nền hòa bình không dễ kiếm tìm

07:45, 16/08/2011

Tình hình Syria đang căng như dây đàn. Bất chấp sự trấn áp mạnh tay của quân đội chính phủ, các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chế độ của Tổng thống Bachar Al-Assad vẫn tiếp diễn và lan rộng. Ngày 14-8, ít nhất 23 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi lực lượng an ninh Syria tấn công thành phố cảng Latakia ở miền Tây bắc đất nước.

Trước đó một ngày, tại khu vực Ramel ở phía Nam Latakia, địa điểm chính của phong trào chống chính phủ, quân đội Syria đã làm chết 2 người và 15 người khác bị thương. Tại nhiều địa phương khác ở quốc gia Trung Đông này, tình hình vẫn rất hỗn loạn. Quân đội Syria đã điều khoảng 20 xe tăng tới El-Ramel do có các vụ đấu súng trong thành phố, trong khi tiếng súng hạng nặng vẫn vang lên tại Latakia và thành phố Slaibeh…

 


Hành động của chính quyền Tổng thống Bachar Al-Assad nhằm thể hiện quyết tâm đập tan các thế lực chống đối. Chắc chắn, bài học từ các quốc gia như Libya, Ai Cập… vẫn còn rất thời sự trong bối cảnh hiện nay. Sự "tấp nập" của hoạt động ngoại giao ở thủ đô Damascus của Syria trong những ngày qua cũng là dễ hiểu. Nhiều nước nỗ lực thuyết phục chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad kiềm chế sử dụng quân đội, tiến hành đối thoại rộng rãi với lực lượng chống chính phủ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ cải cách nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn, khôi phục bình yên cho quốc gia ở Trung Đông này.

 

Ngày 13-8, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã đề nghị làm trung gian cho một cuộc đối thoại giữa chính phủ và các phe phái đối lập tại Syria. OIC kêu gọi Damascus "tham gia đối thoại với tất cả các bên ở Syria để nhất trí và thực hiện những biện pháp cải cách có thể chấp nhận". Tuy nhiên, điều này đã được Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem khẳng định ngày 12-8 rằng, Damascus sẽ tiếp tục đối thoại dân tộc và thực hiện công cuộc cải cách mà Tổng thống Bachar Al-Assad đã công bố. Trước đó, chính quyền Syria đã thông báo sẽ tiến hành các cuộc bầu cử "tự do và công bằng" vào cuối năm nay và Quốc hội mới đại diện cho khát vọng của người dân, sẽ chịu trách nhiệm xem lại các luật đã được thông qua trước đó, đẩy nhanh quá trình cải cách… Thế nhưng, tất cả vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của lực lượng biểu tình.

 

Bối cảnh của Syria hiện nay khác hoàn toàn so với Libya. Ở đây không có lực lượng đối lập đủ mạnh như Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp ở Libya. Thêm vào đó, tiềm lực quân sự của chính quyền Damascus mạnh, cộng với sự ủng hộ từ Iran, khiến các nước phương Tây khó có cơ hội can thiệp quân sự vào Syria. Nếu có một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, không những quốc gia này rơi vào nội chiến mà còn tạo ra nhiều ẩn họa đối với "chảo lửa" Trung Đông vốn đã quá nóng. Tuy nhiên, dư luận Syria cho rằng, có bàn tay can thiệp, hậu thuẫn từ bên ngoài vào nội bộ nước này. Theo đại diện ngoại giao của Damascus, các nhóm vũ trang giấu mặt đã lợi dụng các cuộc biểu tình, bắn vào lực lượng an ninh, gây xung đột khiến hàng chục người thiệt mạng và những kẻ kích động, chủ yếu có liên hệ với các cơ quan tình báo nước ngoài. Cơ quan truyền thông Syria còn phát hiện có những chai chứa đầy máu lợn và gà được giấu trong đoàn người biểu tình nhằm tạo ra cảnh máu chảy, người chết, sau đó quay video và tung lên mạng gây kích động…

 

Sự phức tạp của tình hình đã đẩy Syria tới chỗ không còn có lựa chọn nào khác. Nhưng giải pháp dùng vũ lực để đàn áp biểu tình được xem là "hạ sách". Việc dân thường bị sát hại sẽ khiến các phần tử cực đoan trong nước lợi dụng để kích động, còn ở bên ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây sẽ có cớ để tạo áp lực mạnh mẽ. Ngay sau sự kiện 23 người thiệt mạng ngày 14-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Quốc vương Saudi Arabia Abdullah đã đồng loạt kêu gọi ngay lập tức chấm dứt đổ máu. Washington hối thúc tất cả các quốc gia cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với Syria. Canada thông báo đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Damascus, trong đó có việc liệt Ngân hàng Thương mại Syria và nhà cung cấp điện thoại di động Syriatel lớn nhất của nước này vào "danh sách đen" song song với việc áp lệnh cấm nhập cảnh đối với 4 quan chức Syria, trong đó có người đứng đầu lực lượng an ninh của quân đội tại Hama, ông Mohammed Mufleh...

 

Tìm được giải pháp cho vấn đề Syria hiện nay thật không đơn giản. Sự nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia Trung Đông này rất cần nhưng chưa đủ. Vấn đề chính là hạn chế, ngăn ngừa sự can thiệp từ bên ngoài để Damascus tìm giải pháp kiến tạo hòa bình. Nhưng xem ra, điều đó không dễ trong bối cảnh hiện nay