Tâm điểm Libya: Tìm kịch bản thời hậu chiến

08:32, 24/08/2011

Cuộc chiến tại Libya đang bước vào những giờ cuối cùng. Ngày 23-8, con trai nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi Seif Al-Islam tuyên bố lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo M.Gaddafi vẫn kiểm soát thủ đô Tripoli nhưng vòng vây của lực lượng đối lập mỗi giờ một siết chặt thêm.

Hiện tại, Đại tá M.Gaddafi và lực lượng trung thành chỉ còn kiểm soát khoảng 5-10% thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng đối lập tuyên bố đã chiếm được đài truyền hình quốc gia; đồng thời đang đưa thêm người và vũ khí từ thành phố biển Misrata, cách thủ đô Tripoli 200km về phía đông. Một số tàu vận chuyển một lượng lớn các tay súng và quân trang từ Misrata đã tới Tripoli. Lực lượng đối lập cũng tiến về phía nam đến thành phố Sirte, quê hương của ông M.Gaddafi và đã chặn thành công cuộc hành quân của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo này từ Sirte về thủ đô Tripoli. Tại cuộc họp báo, ngày 22-8, người đứng đầu Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) Mustafa Abdul Jalil tuyên bố kỷ nguyên của ông Gaddafi đã hết…

 

Từ nhiều hướng, quân nổi dậy đang dồn vào dinh thự của ông Gaddafi tại Bab al-Azizya. Cuộc lật đổ chính quyền sau 42 năm tồn tại của nhà lãnh đạo M.Gaddafi chỉ còn là thời gian. Do đó, ngoài tình hình chiến sự, điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là cuộc "chuyển giao" quyền lực và thời hậu chiến của Libya. Phe nổi dậy có ngăn được Libya rơi vào hỗn loạn sau khi lật đổ M.Gaddafi? Chỉ có những người của phe nổi dậy mới trả lời được câu hỏi này. Thế nhưng, đây lại là một lực lượng chắp vá gồm các nhóm vũ trang, cựu binh và những dân quân tự do (trong đó có các băng nhóm tự phong và các cựu thành viên thuộc nhóm du kích Hồi giáo từng bị Gaddafi đập tan vào những năm 1990). Thách thức mà lực lượng nổi dậy phải đối mặt khi chế độ Gaddafi sụp đổ là rất lớn. Đó là một nền kinh tế rối loạn, truyền thông bị gián đoạn, các ngành dịch vụ công cộng bị tàn phá và các nhóm có vũ trang tự do tung hoành. NTC đóng trụ sở tại Benghazi ở miền Đông nước này, được coi là đại diện hợp pháp, trong nhiều tháng qua đã vạch ra kế hoạch thời hậu Gaddafi. Trong đó có việc thành lập một chính quyền hợp hiến và tiến hành các cuộc bầu cử do Liên hợp quốc giám sát; đồng thời khôi phục an ninh, y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở...

 

Tuy nhiên, bảng thành tích "cầm quyền" của NTC - được thành lập kể từ khi cuộc chiến Libya bùng nổ - là hết sức nghèo nàn và bị chia rẽ bởi chủ nghĩa bè phái. Một số nhóm nổi dậy cũng không muốn hợp tác với NTC. Hiện tại chưa thấy một gương mặt nào khả dĩ từ lực lượng nổi dậy được các bộ lạc Libya tôn trọng để đoàn kết người dân Libya khi Gaddafi ra đi. Trong bối cảnh hiện nay, người dân nước này e sợ quân nổi dậy quay ra chống lẫn nhau để tranh quyền kiểm soát thủ đô Tripoli hơn là lo ngại mối đe dọa từ lực lượng trung thành với Gaddafi.

 

Một Libya rơi vào kịch bản giống như Iraq thời hậu Saddam Hussein, đẫm máu trong nội chiến là có thể. Thủ tướng Anh David Cameron (ngày 22-8) đã tỏ ý lo ngại về điều này khi kêu gọi tránh lặp lại những sai lầm ở Iraq. Đại biện lâm thời của NTC tại London cũng đã cam kết, chính quyền thời hậu Gaddafi sẽ tuân thủ luật pháp và không tổ chức bất kỳ phiên tòa "trả thù" nào... Nhưng xem ra, thực hiện được điều này không hề dễ.

 

Hiện tại, Nhóm liên lạc quốc tế về Libya (ICCL) gồm Anh, Mỹ, Pháp và hầu hết các nước tham chiến, đang làm việc với NTC để sắp xếp một chế độ hậu Gaddafi không có hỗn loạn và dĩ nhiên có thể kiểm soát được nguồn dầu mỏ quý giá của đất nước này. Ngày 22-8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi một cuộc chuyển giao êm thấm và hòa bình; đồng thời cam kết LHQ sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân Libya. Tuy nhiên, khi tất cả các bước đi đều chưa hiện rõ thì cuộc chiến đã kịp để lại khoảng trống quá lớn trên nhiều phương diện không dễ khỏa lấp tại Libya trong tương lai gần.