Tuần qua, cảnh sát Liên bang Brazil đã bắt giữ 38 quan chức thuộc Bộ Du lịch nước này do bị cáo buộc tham nhũng.
Trong số những nhân vật bị "còng tay" có Thứ trưởng Frederico Silva da Costa, Quốc vụ khanh phụ trách Chương trình phát triển du lịch, cựu Chủ tịch Công ty Du lịch quốc gia Embratur Mario Moyses và nhiều giám đốc công ty, lãnh đạo thuộc Viện Phát triển hạ tầng bền vững (Ibrasi).
38 quan chức trên đều bị cáo buộc liên quan tới đường dây lợi dụng công quỹ hòng trục lợi. Các công tố viên cho biết, chính phủ đã rót khoản đầu tư 1,85 triệu USD cho Viện Ibrasi ở Sao Paulo để đào tạo, tập huấn về du lịch. Tuy nhiên, thay vì phục vụ cho mục đích này, số tiền đã bị "chia năm, xẻ bảy" và tuồn vào túi của các quan chức thuộc Bộ Du lịch, Viện Ibrasi và một số công ty. Được biết, gần 200 cảnh sát đã được huy động để bắt giữ các nghi phạm tại ba thành phố Brasilia, Sao Paulo và Macapa. Nếu bị kết tội, mỗi người trong số họ có thể sẽ phải lãnh án 12 năm tù giam.
Vụ án tham nhũng cho thấy, bất chấp tất cả những thành tích về phát triển kinh tế, Brazil vẫn là một quốc gia Mỹ Latin điển hình với tỉ lệ tham nhũng và tội phạm cao. Tham nhũng trong hàng ngũ các chính trị gia từ lâu đã trở thành một vấn nạn của nước này. Một trong những nguyên nhân của tình trạng tham nhũng bắt nguồn từ những gốc rễ sâu xa trong lịch sử. Sự thiếu ngay thẳng trong giới quan chức đã từng công khai bùng phát trong những năm 1964-1985 ở Brazil. Điều này chỉ thay đổi khi nền dân chủ quay trở lại. Năm 1992, Quốc hội Brazil đã kết án Tổng thống lúc đó là ông Fernando Collor de Mello tội tham nhũng và thất bại trong việc siết chặt chi tiêu và phân phối tiền. Sau đó, cơ quan lập pháp nước này lập tức tiến hành rất nhiều cuộc điều tra tham nhũng, mặc dù hiệu quả chưa cao. Thực tế, cuộc chiến chống tham nhũng ở Brazil không hề dễ dàng. Cảnh sát Liên bang trong những năm qua mặc dù đã bắt giữ hơn 5.000 người nhưng chỉ có một số ít bị đưa ra xét xử hoặc ngồi tù, bởi một số người trong số bị bắt giữ trên ít nhiều có liên quan tới các quan chức cao cấp. Dẫu vậy, những cải cách luật pháp trong vài năm gần đây đã đem lại cho Brazil nhiều lợi thế trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đó là một điều luật quy định chặt chẽ việc chi tiêu của các quan chức, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị bỏ tù. Hơn thế, cảnh sát Brazil hiện nay đã bớt bị tha hóa vì nạn tham nhũng hơn, những chuyển biến tích cực được ghi nhận nhờ chính sách chọn lọc nhân sự kỹ càng. Người có công lớn trong những thay đổi quan trọng này chính là cựu Tổng thống Lula da Silva, mặc dù ông không phải là người đầu tiên nhận ra mối quan hệ phức tạp giữa chính trị gia và doanh nhân đã gây thiệt hại không thể đong đếm không chỉ với ngân sách của Brazil, mà còn làm tổn hại cả hình ảnh đất nước của những vũ điệu Samba trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Tiếp bước cựu Tổng thống Silva, đương kim Tổng thống D.Rousseff ngay khi lên cầm quyền tháng 1-2011 đã đưa ra hàng loạt kế hoạch chống tham nhũng. Và Bộ Du lịch là cơ quan thứ ba bị các nhà chức trách "sờ gáy" vì tội biển thủ công quỹ. Trước đó, các cuộc điều tra tương tự cũng đã được tiến hành với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp. Kết quả là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Alfredo Nascimento và 30 quan chức khác đã phải từ chức hồi tháng 7 sau những cáo buộc tham nhũng và sai phạm. Còn Bộ trưởng Nông nghiệp Wagner Rossi cũng đang ngồi ghế "nóng" sau khi một quan chức dưới quyền ông bị sa thải vì tham nhũng.
Tuy được coi là cú đòn giáng mạnh vào chính quyền của nữ Tổng thống Brazil D.Rousseff, nhưng người đứng đầu đất nước của vũ điệu Samba nhận ra rằng chỉ có cương quyết chống nạn tham nhũng mới có thể loại bỏ thứ ung nhọt đang làm tổn hại đất nước.