Dư luận thế giới đã kịch liệt lên án loạt vụ đánh bom tại hơn một chục thành phố ở Iraq ngày 15/8, làm ít nhất 74 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Bộ Ngoại giao Nga kịch liệt lên án các vụ "tấn công khủng bố đẫm máu trên là hành động không thể biện minh". Nga cho rằng, việc loại bỏ khủng bố đòi hỏi toàn dân Iraq phải cùng nhau cố gắng trên cơ sở thỏa thuận dân tộc và đối thoại giữa các phe phái chính trị lớn, các sắc tộc và cộng đồng tôn giáo. Chính con đường này sẽ đảm bảo ổn định tại Iraq, củng cố sự thống nhất, chủ quyền và độc lập của nước này.
Trong tuyên bố lên án các vụ tấn công, Chính phủ Mỹ cũng cho biết sẽ xem xét mọi đề nghị của Iraq về khả năng quân đội Mỹ hiện diện lâu hơn tại đây. Trung tướng Jeffrey Buchanan, Người phát ngôn của quân đội Mỹ tại Iraq cho biết, hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công trên, song các mục tiêu tấn công và phương pháp tiến hành của chúng rất giống với kiểu hoạt động của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Thủ tướng Iraq Nuri Al-Maliki cũng lên án các vụ tấn công và khẳng định "thủ phạm sẽ không thể thoát tội".
Các vụ tấn công xảy ra tại 18 thành phố của Iraq, vào thời điểm chỉ còn 1 tháng nữa là Mỹ sẽ chính thức rút quân khỏi Iraq theo Hiệp định an ninh song phương được lãnh đạo hai nước ký năm 2008.
Các vụ tấn công càng làm dấy lên lo ngại về khả năng tự duy trì ổn định của các lực lượng an ninh Iraq. Hai tuần trước, giới lãnh đạo Irắc đã cho phép chính phủ tiến hành đàm phán với Washington về khả năng các cố vấn quân sự của Mỹ ở lại Iraq sau năm 2011, thời hạn mà Mỹ rút hết binh sĩ khỏi Iraq.
Tiếp diến các vụ bạo lực ở Iraq đêm 15/8, một số tay súng mặc quân phục đã đột nhập ngôi đền Tawab, cách Baghdad 20 km về phía Nam, bắt cóc và sát hại 7 thành viên một nhóm bán quân sự người Sunni.
Khi các lực lượng an ninh Iraq xông vào đền, họ phát hiện một tờ giấy bên cạnh các thi thể, trên đó ghi dòng chữ "Nhà nước Hồi giáo Iraq", tên của một nhóm có dính líu với Al-Qaeda và từng nhận trách nhiệm tiến hành nhiều vụ tấn công kinh hoàng ở Iraq./.