Tổng thống Mỹ ký luật nâng trần nợ

07:48, 03/08/2011

Rạng sáng ngày 3/8 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama đã ký thành luật dự luật nâng mức trần nợ của Mỹ, giúp cho cường quốc kinh tế này khỏi bị vỡ nợ.

Ông Obama ký dự luật trên ngay sau khi nó được Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm nâng mức trần vay nợ quốc gia và cắt giảm thâm hụt ngân sách của nước này. Việc thông qua dự luật này  đã chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Washington hơn một tháng qua về vấn đề nợ công của Mỹ.

 

Sau nhiều tuần thảo luận căng thẳng và chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng mức trần vay nợ quốc gia với tỷ lệ phiếu là 74/26. Dự luật này cho phép nâng ngay lập tức 400 tỷ USD đối với mức trần vay nợ hiện nay của Mỹ là 14.300 tỷ USD và sẽ tăng thêm 500 tỷ USD nữa vào mùa thu này. Tuy nhiên, dự luật cũng buộc chính phủ Mỹ phải cắt giảm thâm hụt ngân sách một khoản tương ứng là 900 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

 

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện cho rằng, Đảng Cộng hòa đã đạt được điều mà họ mong muốn. Trong khi đó, thượng nghị sỹ Dảng Dân chủ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện nói rằng, ông không cảm thấy hài lòng về dự luật này bởi vì nó cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Mỹ nhưng lại không tăng thuế đối với người có thu nhập cao, điều mà đảng Dân chủ luôn mong muốn, tuy nhiên ông Harry Reid cũng khẳng định rằng dù sao đây cũng là một thỏa thuận tốt nhất và quan trọng mà đảng Dân chủ có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay. 

 

Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, đạo luật này chỉ là bước khởi đầu để  giúp nước Mỹ tránh khỏi thảm họa vỡ nợ, nhưng nếu muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách, Quốc hội Mỹ còn phải làm nhiều hơn nữa  trong thời gian tới.

 

Phát biểu từ Nhà Trắng Tổng thống Mỹ Obama nói: “Đây chỉ là những bước đi đầu tiên của chúng ta, đạo luật thỏa hiệp yêu cầu hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa phải cùng nhau bàn về một kế hoạch tổng thể hơn để cắt giảm thâm hụt ngân sách, điều này rất quan trọng đối với sự lành mạnh mang tính dài hạn của nền kinh tế Mỹ. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách chỉ bằng cắt giảm chi tiêu, chúng ta cần phải có phương pháp tiếp cận cân bằng”./.