Các nước phấn đấu đưa Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện có hiệu lực vào năm 2012.
Ngày 23/9/2011, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), đã diễn ra Hội nghị Bộ Trưởng thành viên Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội nghị, đã cùng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng.
Hội nghị thúc đẩy Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) được tổ chức nhân dịp Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Đại hội đồng LHQ. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng trong những năm qua tiếp tục có nhiều nước tham gia ký và công nhận Hiệp ước, đây là những minh chứng cho thấy sự khẩn thiết của Hiệp ước này.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng gửi thông điệp thúc giục các nước chưa tham gia ký và chưa thông qua Hiệp ước cần hành động ngay lập tức, cần có sáng kiến và thể hiện vai trò dẫn dắt trong vấn đề này.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi thế giới cần đưa Hiệp ước đi vào có hiệu lực trong thời gian sớm nhất: “Một lần nữa tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đặt ra mục tiêu là đưa Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện có hiệu lực vào năm 2012. Chúng ta không thể chấp nhận thêm một sự chậm trễ nào khác, chúng ta cần duy trì động lực, gia tăng sức ép và hãy cùng nhau hợp tác vì mục tiêu chấm dứt việc thử vũ khí hạt nhân, hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Đại diện cho Việt Nam chủ trì và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định coi trọng vai trò và ý nghĩa của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, và tin tưởng rằng việc tất cả các quốc gia gia nhập Hiệp ước sẽ là một bước quan trọng tiến tới giải trừ quân bị hạt nhân. Trên tinh thần đó, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước này năm 1996, đã phê chuẩn và nỗ lực chuẩn bị thực hiện các nghĩa vụ khi Hiệp ước có hiệu lực. Việt Nam chia sẻ quan điểm chung là việc thúc đẩy Hiệp ước có hiệu lực gắn liền với các nỗ lực giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm quyền của các quốc gia về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ và thúc đẩy giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, và đặc biệt ủng hộ đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam luôn cố gắng hết sức để ủng hộ các nỗ lực của thế giới để đạt được mục tiêu cao cả này. Việt Nam hy vọng rằng khi Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân có hiệu lực sẽ củng cố mạnh mẽ hơn cơ chế hiện nay của Việt Nam để phấn đấu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh ý nghĩa thiết yếu của việc tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế là môi trường cho tiến bộ về giải trừ quân bị, và vì vậy nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế cần được nghiêm túc tuân thủ. Việt Nam là một trong những nước đã tham gia và tích cực thúc đẩy xây dựng khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới đã nêu bật tầm quan trọng của việc đưa Hiệp ước này đi vào có hiệu lực, khẳng định rằng thế giới sẽ còn phải đối diện với những thách thức hạt nhân nghiêm trọng nếu Hiệp ước này chưa được tất cả các nước thông qua.
Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Ireland Eamon Gilmore nói: “Chỉ với Hiệp ước này, cộng đồng quốc tế mới có thể đạt được một cam kết lâu dài và hợp pháp nhằm chắm dứt mọi hành động thử vũ khí hạt nhân. Qua việc chúng ta cùng gặp gỡ nhau tại Hội nghị hôm nay, chúng ta đã chứng tỏ một quyết tâm chung rằng phải đưa Hiệp ước này đi vào có hiệu lực. Thế giới không thể chờ đợi thêm được nữa. Nếu chúng ta không đạt được mục tiêu đó thì những mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới xuất phát từ việc phát triển và thử vũ khí hạt nhân mới và hiện đại sẽ vẫn còn rình rập chúng ta”.
Cho đến nay, trong tổng số 193 quốc gia trên thế giới, đã có 182 nước tham gia ký Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn toàn diện và 155 nước đã thông qua. Để Hiệp ước chính thức có hiệu lực các nước như Mỹ, Trung quốc, CHDCND Triều tiên, Ai cập, Ấn độ, Indonesia, Iran, Israel cần phải thông qua Hiệp ước này./.