Vấn đề tái thiết và xây dựng nền kinh tế nước này hiện đang là chủ đề lớn được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.
Liên minh Châu Âu hôm 01/9 thông báo đang dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các cảng biển, ngân hàng và các công ty năng lượng của Libya. Phát ngôn viên của Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton nói rằng, mục đích của Liên minh châu Âu là giải tỏa các nguồn kinh phí giúp chính phủ lâm thời Libya tái khởi động lại nền kinh tế. Quyết định của EU được đưa ra sau khi Ủy ban ổn định của Hội động Dân tộc chuyển tiếp Libya kêu gọi cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với một số hoạt động cơ bản như: cảng biển, sân bay và các ngân hàng.
Hiện tại, lãnh đạo của khoảng 60 nước đang tham dự một hội nghị quốc tế với thành viên của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya tại Pari dưới sự chủ trì của Pháp và Anh. Hội nghị nhằm thảo luận các giải pháp tái thiết Libya và tương lai cho nước này. Hội nghị sẽ bàn về việc giải tỏa số tài sản bị phong tỏa trị giá hàng tỷ đôla Mỹ của Libya để giúp nước này khôi phục nền kinh tế cũng như thảo luận các bất đồng chính trị xung quanh chiến dịch không kích của NATO vừa qua. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên về Libya kể từ khi chính quyền Gaddafi sụp đổ và hội nghị này được ví như một phép thử đối với Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya về khả năng điều hành đất nước sau khi nền kinh tế bị gián đoạn bởi nhiều tháng bạo loạn.
Tại hội nghị, Hội đồng Dân tộc Libya dự kiến sẽ trình bày một danh sách chi tiết các yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Mustafa Abdel Jalil sẽ mở đầu hội nghị với một kế hoạch xây dựng hiến pháp mới, tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng tới và các biện pháp tránh đổ máu và bạo lực giống như những gì đã xảy ra tại Iraq sau khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ.
Trong một diễn biến khác, Nga đã công nhận phong trào chống đối là lãnh đạo đất nước hôm 01/9, một quyết định quan trọng trước khi hội nghị quốc tế về tương lai của Libya khai mạc. Cả Nga và Trung Quốc, hai nước trước đó phản đối NATO can thiệp vào vấn đề Libya đều cử đại diện tham gia hội nghị.
Bộ ngoại giao Algeri hôm 01/9 thông báo nhà lãnh đạo Gaddafi hiện không ở nước này và sẽ không được cấp phép vào Algeri. Hiện vợ, con gái và 2 con trai ông Gaddafi đang lưu trú tại Algeri với lý do nhân đạo.