IMF kêu gọi giải quyết nhanh căng thẳng tài chính toàn cầu

14:39, 13/09/2011

Hai nền kinh tế được tổ chức IMF kêu gọi cần giải quyết nhanh sự căng thẳng đang diễn ra là: Mỹ và khu vực đồng Euro.

Ngày 12/9, báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khẳng định giải quyết nhanh những căng thẳng tài chính trong các nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng Euro có tầm quan trọng sống còn đối với thành công của nỗ lực ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế thế giới rơi trở lại suy thoái.

 

Trên cơ sở phân tích các dòng kinh tế cũng như các hiểm họa lây lan giữa các nền kinh tế, IMF nhấn mạnh các liên kết tài chính và các kênh tài chính đóng vai trò quan trọng làm lan truyền các cơn sốc kinh tế và tài chính trên toàn cầu.

 

Các chính sách tài chính và cơn sốc kinh tế trong các nền kinh tế lớn có thể tác động gây bất ổn định không chỉ các nền kinh tế khu vực mà cả nền kinh tế toàn cầu.

 

Ranjit Teja- Phó Giám đốc Chính sách và Chiến lược của IMF lưu ý rằng, các chính sách làm giảm căng thẳng tài chính trong các nền kinh tế lớn có tác động mạnh mẽ và tích cực đến các nền kinh tế khác.

 

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây, các gói tài chính kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng Euro… gắn với các chính sách làm dịu căng thẳng tài chính đã làm tăng lòng tin vào chính sách tài chính, góp phần giải quyết các nguy cơ kinh tế toàn cầu, hỗ trợ các nền kinh tế lớn trong ngắn hạn và tác động sâu rộng, trực tiếp đến dòng tài chính lưu chuyển toàn cầu, qua đó tác động đến các nền kinh tế đang phát triển.

 

Tuy nhiên, IMF cũng khẳng định lợi ích của các quốc gia và lợi ích toàn cầu cần được hài hoà trong những nỗ lực chung làm dịu căng thẳng tài chính cũng như nguy cơ trong các nền kinh tế lớn.

 

Tăng cường tín dụng và xử lý rủi ro thông qua chính sách tiền tệ dễ dàng có thể có lợi cho các nền kinh tế phát triển đang bị trì trệ nhưng lại làm phức tạp hơn nữa quản lý vĩ mô ở các nền kinh tế thị trường mới nổi đang phát triển bùng nổ.

 

** Cũng trong ngày 12/9, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã cảnh báo các dấu hiệu ngày càng mạnh hơn về nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn nhất và giàu nhất thế giới, kể cả các nước thành viên và không phải thành viên của tổ chức này.

 

Các chỉ số kinh tế tổng hợp của tất cả 34 nước thành viên OECD xác nhận hoạt động kinh tế của câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới này đã giảm từ 102,1 điểm trong tháng 6 xuống 101,6 điểm trong tháng 7, tiếp tục đà suy giảm liên tục suốt 4 tháng qua.

 

Các chuyên gia OECD nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển thuộc OECD và không thuộc OECD tiếp tục chậm và suy giảm khiến nguy cơ các nền kinh tế rơi vào suy thoái từ quý 2 năm nay không giảm mà tiếp tục tăng lên. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa toàn OECD giảm từ 0,3% trong quý 1 năm nay xuống 0,2% trong quý 2.

 

Nghiên cứu của OECD cho biết các nền kinh tế phát triển có nguy cơ suy thoái tăng lên bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Italy, Mỹ và Anh.

 

Các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu có nguy cơ suy thoái tăng lên bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil.

 

Các chỉ số kinh tế tổng hợp của nền kinh tế Nhật Bản không thay đổi suốt 3 tháng qua cho thấy nền kinh tế suy thoái này có thể đang dần dần phục hồi nhưng rất chậm chạp.

 

OECD giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ từ mức dự báo hồi tháng 5 là 2,9% trong quý 3 và 3% trong quý 4 xuống lần lượt còn 1,1% và 0,4%.

 

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 mới đây cũng thừa nhận tăng trưởng của các nền kinh tế này đang chậm lại và cũng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng đang chậm lại và hướng tới suy thoái.

 

Trong bối cảnh này, các nước OECD cam kết phối hợp phản ứng quốc tế mạnh mẽ để tránh nguy cơ suy thoái kép của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương can thiệp nếu xu thế tăng trưởng chậm lại vẫn tiếp tục./.