Điều mà người dân Afghanistan mong muốn là an ninh được đảm bảo và thành lập một chính phủ đoàn kết vẫn chưa thành hiện thực
Ngày 7/10, đánh dấu 10 năm cuộc chiến do Mỹ phát động tại chiến trường Afghanistan với mục đích chống khủng bố. Thế nhưng, thông tin thời gian gần đây đều cho thấy một hiện thực không mấy khả quan tại Afghanistan khi bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng.
Nếu nhìn vào mức độ leo thang bạo lực tại Afghanistan kéo dài từ tháng 7 tới nay, đỉnh điểm là vụ Taliban ám sát Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Afghanistan ông Rabbani thì những chính khách lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng, những vụ tấn công chẳng khác nào những đòn giáng mạnh vào cơ hội tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tuyên bố, chính phủ của ông sẽ không tổ chức các cuộc đối thoại hòa bình với Taliban nữa.
Theo các nhà phân tích, chính thái độ chủ quan vào một chiến thắng dễ dàng của 10 năm trước khiến cho tình hình an ninh tại Afghanistan ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Nhà phân tích chính trị Jacobson nhận xét: “Có lẽ một chiến thắng dễ dàng, rồi sau đó một Chính phủ Afghanistan được thành lập ngay sau cuộc bầu cử đã khiến người ta lầm tưởng rằng đã đánh bại được chủ nghĩa khủng bố”.
Trong khi đó, Mỹ đã tuyên bố kế hoạch rút dần 100.000 binh lính khỏi Afghanistan. Liên minh quân sự quốc tế đã bắt đầu bàn giao trách nhiệm an ninh cho các lực lượng Afghanistan mới được đào tạo nhằm mục tiêu rút hết toàn bộ binh sĩ nước ngoài vào cuối năm 2014.
Với khả năng đảm bảo an ninh còn yếu kém của các lực lượng vũ trang nước này, dư luận lo ngại một khoảng trống về quyền lực và an ninh tại đây sau năm 2014.
Chắc chắn, Tổng thống Mỹ Obama không thể hoãn lại kế hoạch rút quân Mỹ rời khỏi Afghanistan theo lộ trình từ năm nay đến năm 2014. Kế hoạch trên phản ánh rõ nhất nguyện vọng của đại đa số người dân Mỹ về một chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế, thay vì phải tiêu tốn hơn 100 tỷ USD/năm cho cuộc chiến tại Afghanistan. Như vậy, viễn cảnh về việc Taliban quay trở lại sau năm 2014 đang hiển hiện trước mắt người dân.
Người dân Afghanistan từng hân hoan phấn khởi trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Taliban. 10 năm sau, cho dù thủ đô Kabul đã hiện đại hơn, nhưng đại đa số người dân Afghanistan lại coi 140.000 binh sĩ của NATO dưới vai trò chỉ huy của Mỹ là lực lượng chiếm đóng, không thực hiện những lời hứa mang lại hòa bình và phồn vinh cho nước này.
Trong khi đó, các hoạt động trồng cây thuốc phiện tràn lan ở Afghanistan đã biến nước này thành “nguồn” cung cấp tới 90% lượng heroin của thế giới. Nhiều người dân Afghanistan vẫn chưa thoát cảnh đói nghèo khi nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản tiền viện trợ của nước ngoài.
Một người dân ở thủ đô Kabul bức xúc: “Đã tròn 10 năm Mỹ và đồng minh đóng quân tại Afghanistan. Người dân chúng tôi vẫn phải chịu đựng nhiều bất ổn, nghèo đói tăng lên, không có lợi ích nào cả”.
Tuy vậy, cuộc chiến không hoàn toàn tiêu cực. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, nhiều trường học đã được mở khắp đất nước với hơn 6 triệu học sinh được cắp sách tới trường. Dưới chế độ Taliban, trẻ em gái không được phép tới lớp. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh với nhiều tờ báo, tạp chí và 10 kênh truyền hình hoạt động cùng lúc.
Nhưng đối với người dân Afghanistan, đó là một bước tiến nhỏ sau hai bước lùi dài. Afghanistan đã thất bại trong hai nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh và thành lập một chính phủ đoàn kết. Bạo lực gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây với những cuộc tấn công ngày càng trắng trợn và lan rộng. Ngoài ra, tình trạng tham nhũng đã trở thành quốc nạn gây cản trở những nỗ lực xây dựng một chính phủ hoạt động hiệu quả ở Afghanistan.
Với những diễn biến căng thẳng trên, sau 10 năm chiến tranh hao người, tốn của tại Afghanistan, Mỹ và NATO đang phải “nhả” dần vùng đất “xương xẩu” này với các cam kết rút quân “có trách nhiệm”.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo, việc “bỏ của chạy lấy người” này sẽ để lại những “khoảng trống” cho nhiều thế lực, trong đó có các nhóm cực đoan và khủng bố, tranh nhau thế chỗ, làm gia tăng nguy cơ đẩy khu vực rơi vào hỗn loạn./.