Cuối tháng 9 vừa qua, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã quyết định đình chỉ dự án đang gây tranh cãi lớn: tuyến đường cao tốc xuyên khu bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon dài 306km nối hai bang của nước này.
Rừng Amazon đang bị khai thác bừa bãi, ảnh hưởng đến cuộc sống người bản địa và sự biến đổi của khí hậu.
Dự án đường cao tốc trị giá 420 triệu USD, do Công ty OAS của Brazil thực hiện, dài 306km nối hai bang Beni và Cochabamba ở miền Trung Bolivia gây tranh cãi do đi qua khu vực nguyên sinh của rừng Amazon, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Nhiều thành viên của những cộng đồng này đã vượt hàng trăm kilômét tới thủ đô La Paz tuần hành phản đối và đã bị cảnh sát can thiệp bằng vũ lực vào cuối tháng 9 vừa qua. Đỉnh điểm của vụ việc đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ của Bolivia từ chức và Tổng thống Evo Morales phải lên tiếng xin lỗi vì hành động bạo lực của lực lượng cảnh sát; đồng thời đề nghị trưng cầu dân ý về dự án đường cao tốc này. Tổng thống E.Morales cũng lâm vào thế khó khi thông cảm với phản ứng của người bản địa nhưng lại cho rằng con đường cao tốc là cần thiết cho nền kinh tế nước nhà.
Thực tế, vùng bảo tồn thiên nhiên Amazon là quê hương của những nhóm người da đỏ Amazon sống biệt lập, tự cung tự cấp và đến tận bây giờ lối sống đó vẫn không có gì thay đổi. Rừng chính là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào của họ. Săn bắn, đánh bắt, hái quả, lấy gỗ cùng với phương thức sản xuất đốt nương trồng rẫy... hình thành nét văn hóa cộng đồng dân định cư vùng Amazon. Liên hợp quốc đã công nhận quyền sống riêng biệt của các cộng đồng dân định cư. Rừng nhiệt đới Amazon được gọi là chốn thiên đường của thiên nhiên là "lá phổi xanh" của Trái đất, bao bọc toàn bộ lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ với diện tích khoảng 5 triệu kilômét vuông, nằm trên lãnh thổ của 9 nước. Chiếm một nửa diện tích rừng nhiệt đới trên hành tinh, rừng Amazon là khu vực có số lượng cây cối, hệ động thực vật lớn nhất thế giới. Nhưng "thiên đường" ấy bây giờ không còn được bình yên vì nguồn tài nguyên cũng như đất đai của Amazon quá dồi dào, phong phú nên con người đã lao vào khai thác nó với mức độ không giới hạn. Theo một nghiên cứu vừa được công bố của một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc Mạng lưới giám sát rừng Amazon thì khu vực tự nhiên vốn cực kỳ ẩm ướt này lại đang có nguy cơ bị hạn hán trầm trọng. Nếu điều này xảy ra thì hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ tiến triển mạnh hơn hiện nay rất nhiều. Không chỉ Bolivia, gần đây Brazil cũng phê chuẩn nhiều dự án vận tải gây tranh cãi. Hai đường cao tốc đầu tiên chạy xuyên qua rừng mưa đã làm tăng dân định cư và chặt phá rừng.
Rõ ràng, khi nhiều dự án phát triển (như xây dựng đường cao tốc xuyên Amazon, đập thủy điện), cùng quá trình phát triển mở rộng ngành công, nông nghiệp, cộng đồng dân cư vùng Amazon một lần nữa lại gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng hủy hoại tính thống nhất về văn hóa, về tự nhiên trong vùng. Trước sự phản đối của dân bản địa, Chính phủ Bolivia đã thành lập một Ủy ban cấp cao để đối thoại với Hội đồng Dân tộc Guarani (APG) theo yêu cầu của tổ chức này, nhằm tìm ra giải pháp thỏa đáng cho dự án đường cao tốc. Bộ trưởng Truyền thông Bolivia Ivan Canelas cho biết nhóm làm việc gồm 6 bộ trưởng phụ trách các ngành có liên quan tới dự án giao thông trên sẽ tích cực đối thoại với APG trong những ngày tới để khai thông dự án đang gây tranh cãi ở Bolivia.