Việc tăng nguồn lực cho IMF nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó phải kể tới các nước mới nổi hàng đầu thế giới
Trong hai ngày 14-15/10 tại Paris diễn ra Hội nghị các Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G20, nhóm 20 quốc gia giàu và mới nổi. Hội nghị thảo luận về một số chủ đề như việc tăng vốn cho IMF, các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới.
Vấn đề tăng vốn cho IMF tiếp tục là chủ đề gây nhiều bất đồng giữa các nước. Theo bản thông cáo kết thúc Hội nghị, nhóm G20 cam kết tăng nguồn lực thích hợp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chủ đề này sẽ được thảo luận một cách chi tiết tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 diễn ra ở thành phố Cannes của Pháp trong hai ngày 3-4/11 tới. Cách nói này cho thấy, vấn đề tăng vốn cho IMF vẫn chưa được giải quyết và thậm chí, theo nhiều nhà phân tích, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới, khả năng đạt được đồng thuận về chủ đề này cũng không dễ dàng.
Việc tăng nguồn lực cho IMF nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó phải kể tới các nước mới nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga. Theo các quốc gia này, nếu được “trang bị” nguồn lực đáng kể (thêm khoảng 350 tỷ USD), IMF có thể đủ sức chống lại nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ lan rộng ra các nước lớn của châu Âu như Italy hay Tây Ban Nha và gây tác động lây truyền tới toàn thế giới.
Nhiều quốc gia châu Âu không đồng ý với quan điểm này. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaüble cho rằng IMF có các phương tiện đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ chống khủng hoảng nợ ở châu Âu và các nước châu Âu phải tự mình thực hiện phần lớn nghĩa vụ của mình.
Với Mỹ, quốc gia đóng góp hàng đầu cho IMF với khoảng 17 % quyền bỏ phiếu, Bộ trưởng Ngân khố nước này Timothy Geithner nói rằng Mỹ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ châu Âu thông qua IMF, nhưng không đóng góp thêm tài chính cho IMF.
Ngoài vấn đề nguồn lực của IMF, các nước G20 cũng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro và yêu cầu khu vực tìm ra một kế hoạch đáng tin cậy từ nay tới khi Hội nghị Thượng đỉnh Cannes diễn ra. Pháp và Đức đã hứa trình lên Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu ngày 23/10 tới một kế hoạch để tái cấp vốn cho các ngân hàng, tăng khả năng của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu và cải tổ việc quản lý ở khu vực đồng euro./.