Hôm nay dân số toàn cầu đạt 7 tỷ người. Những hệ lụy của tình trạng dân số tăng nhanh và đông đúc là gì? Liệu trái đất có nuôi nổi chúng ta?
Tiến sĩ Joel E. Cohen, nhà sinh vật toán học, Trưởng Phòng thí nghiệm về dân số trường đại học Rockefeller và đại học Columbia, tác giả cuốn sách “Trái đất có thể nuôi nổi bao nhiêu người?” phân tích một cách sâu sắc về tình hình phát triển dân số thế giới với những hệ lụy và gợi ý giải pháp.
Công dân thứ 7 tỷ của thế giới dự kiến được sinh ra ở bang Ulta Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ vào hôm nay.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu trái đất có thể nuôi sống 7 tỷ người hiện nay, và thêm 3 tỷ nữa vào cuối thế kỷ này? Liệu sự gia tăng về số lượng hộ gia đình, thành phố, mức tiêu thụ vật chất và lượng rác thải có tương ứng với nhân phẩm, sức khỏe, chất lượng môi trường và khả năng thoát khỏi đói nghèo?
Trên thực tế, thế giới có khả năng nuôi sống, cấp nhà ở và làm giàu cho nhiều người hơn nữa trong ngắn hạn. Trong khoảng thời gian từ năm 1820, vào buổi bình minh của thời đại công nghiệp, đến năm 2008, khi nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái, sản lượng kinh tế tính theo đầu người đã tăng mười một lần.
Trong mấy nghìn năm qua, tuổi thọ con người tăng gấp 3 lần, đạt mức trung bình của thế giới là 70 tuổi. Từ năm 1950 đến nay, số con trung bình của một người phụ nữ đã giảm từ 5 xuống còn 2,5. Dân số thế giới tăng trung bình hiện nay là 1,1%/năm, chỉ bằng một nửa tỷ lệ số tăng trong những năm 1060. Tỷ lệ tăng chậm lại cho phép các gia đình và xã hội tập trung vào chăm sóc con cái thay vì chú ý đến số lượng.
Việc gần hai phần ba số phụ nữ trong diện có khả năng sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai đã cứu sống nhiều phụ nữ từ lưỡi hái tử thần nếu họ sinh con và tránh được hàng triệu ca phá thai mỗi năm – một thành tựu mà cả những người chống và ủng hộ việc phá thai phi pháp đều có lý do để ăn mừng.
Tuy nhiên thế giới còn nhiều tin xấu: gần nửa dân số thế giới sống với 2 USD mỗi ngày. Ở Trung Quốc con số đó là 36%, ở Ấn Độ là 76%. Hơn 800 triệu người sống trong nhà ổ chuột. Một con số tương tự, chủ yếu là phụ nữ, vẫn còn mù chữ.
Khoảng 850 đến 925 triệu người đang gặp khó khăn trong an ninh lương thực hoặc bị suy dinh dưỡng nặng, hầu hết ở châu Phi và khu vực Nam Á, Trong đó trên một nửa số trẻ em bị thấp còii do đói kinh niên. Trong khi thế giới sản xuất ra 2,3 tỷ tấn lương thực trong năm 2009-10 – đủ lượng calo để nuôi dưỡng từ 9 đến 11 tỷ người – nhưng chỉ có 46% lương thực được đem nuôi người. Gia cầm gia súc lấy đi 34% , và 19% đem sử dụng trong công nghiệp như chế dầu sinh học, chế tạo chất bột và chất dẻo.
Trong số 208 triệu trường hợp mang thai năm 2008, có 86 triệu trường hợp ngoài ý muốn và trong đó có 33 triệu trường hợp sinh con ngoài kế hoạch. Và vấn đề sinh con ngoài ý muốn không phải là toàn bộ vấn đề: Năm 2002, thuốc tránh thai được phát tự do tại Niger, nước có tỷ lệ mang thai cao nhất thế giới. Những người phụ nữ Niger lấy chồng ở tuổi trung bình là 15,5 tuổi, và năm 2006 những người vợ và chồng ở nước này muốn có một số con tương ứng là 8,8 và 12,6 con trong mỗi gia đình.
Cùng với thời gian, nhu cầu của con người trên hành tinh đã gia tăng một cách vô cùng to lớn, mặc dù khí quyển, các đại dương và các châu lục giờ đây không rộng lớn hơn lúc loài người mới sinh. Hiện đã có trên 1 tỷ người sống không đủ nguồn nước ngọt tái sinh.
Khoảng 2/3 lượng nước ngọt trên trái đất dùng cho nông nghiệp. Trong nửa thế kỷ tới, khi thu nhập cá nhân tăng, người ta sẽ tìm mua những loại nông sản cần nhiều nước hơn. Các thành phố và các ngành công nghiệp sẽ đòi hỏi một lượng nước nhiều gấp 3 lần lượng nước hiện có ở các nước đang phát triển.
Dự kiến thiếu nước trầm trọng sẽ xảy ra tại khu vực bắc châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, một số khu vực ở châu Âu, phía đông nước Australia, phía tây nước Mỹ và nhiều nơi khác. Thay đổi khí hậu sẽ làm tăng lượng nước cho nông nghiệp ở Bắc Mỹ và châu Á nhưng làm giảm nước ở châu Phi, Mỹ Latinh và vùng biển Caribê. Câu chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra đối với đất trồng trọt, đánh bắt cá quá mức và lượng khí thải carbon và ni-tơ vào khí quyển.
Nếu chúng ta sử dụng của cải của mình – vật chất, môi trường, nhân lực và nguồn tài chính – nhanh hơn chúng ta làm ra thông qua gia tăng qua tiết kiệm và đầu tư, thì chúng ta sẽ đẩy gánh nặng cái giá phải trả cho sự thịnh vượng một số người đang hưởng thụ hôm nay cho các thế hệ mai sau. Tình trạng mâu thuẫn giữa một bên là các ưu đãi ngắn hạn vốn đang chỉ đạo các tổ chức chính trị và kinh tế của chúng ta, và thậm chí cả gia đình chúng ta, và một bên là nguyện vọng dài hạn của chúng ta là rất nghiêm trọng.
Chúng ta cần phải tính xác suất để mỗi đứa trẻ được sinh ra sẽ là điều mong muốn và được chăm sóc tốt và có triển vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Chúng ta phải bảo tồn và sử dụng năng lượng, nguồn nước, đất đai, vật chất và nguồn đa dạng sinh học mà chúng ta được ban tặng một cách thông minh hơn.
Do đó chúng ta cần đánh giá tăng trưởng về thịnh vượng: Không phải chỉ về số lượng người sinh sống trên trái đất, và cũng không phải bằng các cách tính lệch lạc như về GDP, mà chính là bằng cách đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người ra sao; chúng ta thúc đẩy nhân phẩm, sáng tạo, tính cộng đồng và hợp tác tốt như thế nào; chúng ta chăm sóc cho môi trường sinh học và vật lý của chúng ta ra sao - ngôi nhà duy nhất của chúng ta.