Nỗi khiếp sợ từ Hy Lạp

09:42, 05/10/2011

Kể từ khi trở thành tâm điểm của cơn bão nợ công, chưa lúc nào Hy Lạp nằm ngoài mối lo của châu Âu. Và cũng chưa bao giờ tình hình của đất nước này lại khiến các nhà đầu tư toàn cầu sợ hãi như hiện nay. Chưa thể nhận khoản cứu trợ khẩn cấp 8 tỷ euro của tháng 10 do thất bại trong kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách như cam kết trong khi sẽ hết tiền vào cuối tháng này, hơn lúc nào hết, Hy Lạp đã tiến rất gần đến bờ vực vỡ nợ.

 

Chấm dứt đợt "đại hạ giá" tệ hại nhất từ năm 2008 trong tháng 9, vàng đã có ngày tăng giá thứ ba liên tiếp, mạnh nhất trong gần 1 tháng để nhảy lên đỉnh cao 1.671,95 USD/ounce vào ngày 4-10. Ở chiều ngược lại, dầu rớt giá mạnh, chỉ còn 76,38 USD/thùng. Các thị trường đều tỏ ra nhạy cảm khi đón nhận tín hiệu Athens không vượt qua được cuộc kiềm chế bội chi ngân sách. Theo đánh giá của các chuyên gia Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có đợt tổng kiểm toán tình hình tài chính của Athens, mức thâm hụt mà Hy Lạp cố rút ngắn mới chỉ giảm từ siêu số 10,5% trong năm 2010 xuống còn 8,5%, vẫn còn quá xa mục tiêu 7,6% phải đạt được để đổi lấy cứu trợ.

 

Với đà này, lạc quan nhất thì lượng ngân sách thâm thủng của xứ sở Thần thoại trong năm 2012 vẫn là 6,8% thay vì 6,5% như đã hứa với các chủ nợ lúc đề nghị để được nhận tiền cứu trợ. Sự yếu ớt của kinh tế Hy Lạp gây lo lắng khi mức GDP âm 5,5% trong năm nay sẽ vẫn còn âm 2,5% vào năm tới. Như thế có nghĩa là, mọi nỗ lực của EU đến nay vẫn chưa thể kéo quốc gia bên bờ Địa Trung Hải thoát khỏi vùng lốc xoáy nợ công.

 

Hy Lạp sắp vỡ nợ được nhắc tới khắp EU như một tín hiệu khẩn cấp nhất để cứu nền kinh tế này; nhưng không một cơ quan tài chính nào có thể phá bỏ quy định về ngân sách đã đề ra để lập tức bơm tiền cho một quốc gia chưa thể giảm bội chi. Vẫn biết rằng, nếu không có tiền, đất nước của các vị Thần sẽ nhẵn túi vào cuối tháng này. Thế nhưng, các lãnh đạo châu Âu không thể có giải pháp khác khi đưa ra quyết định khó khăn là buộc Athens phải chờ đến giữa tháng 11 tới để nhận phần giải ngân tiếp theo từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (ESFS) được thông qua từ tháng 7. Do đó, mối băn khoăn đặt ra hiện nay là bệnh nhân cấp tính này sẽ thế nào trong lúc chờ đợi liều biệt dược với sự thật là quốc gia gần 11 triệu dân này thực chất đã lâm vào cuộc phá sản không tuyên bố. Không chỉ có thế, chậm chân trong cuộc chạy đua giảm thâm hụt năm 2011 cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp phải cần thêm gần 2 tỷ euro trong năm nay để chi tiêu. Nhưng khoản tiền này chưa biết đào đâu ra khi mọi thông số đều dẫn tới ngõ cụt là tình trạng thanh khoản của xứ sở Thần thoại vẫn vô cùng bí bét. Nó cũng cho thấy kế hoạch thắt lưng buộc bụng không nhận được đồng tình của dân chúng (như tăng thuế khẩn cấp, cắt giảm tiền lương và sa thải khoảng 30.000 nhân viên chính phủ...) mà Athens đang thực hiện vẫn chưa đi tới đâu.

 

Trong lúc tình hình Hy Lạp đang làm rung động các thị trường tài chính trong 48 giờ qua, khẳng định của Thủ tướng Luxembourg, Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jean-Claude Juncker rằng không một nước nào trong Eurozone muốn Hy Lạp chịu kết cục tồi tệ hay bị loại bỏ khỏi Eurozone được cho là đã vực dậy chút ít niềm tin của các nhà đầu tư vào thời điểm này. Cuộc thảo luận giữa 17 nhà tài chính Eurozone vừa kết thúc (5-10) tại Lucxembourg để giải cứu Hy Lạp - dù chưa thông qua khoản cứu trợ mới cho Hy Lạp vẫn là một động thái khẳng định các nhà lãnh đạo châu Âu chưa tuyệt vọng với Hy Lạp. Thậm chí buộc phải hy vọng vào một điều thần kỳ vì nếu nền tài chính sụp đổ thì hệ lụy của nó thật khôn lường với tương lai của Eurozone và có thể đẩy toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng mới. Dự báo này khiến châu Âu không thể bỏ "cuộc chơi" mang tên Hy Lạp; đồng thời cho thấy đoàn tàu Lục địa già vẫn chưa ra khỏi cung đường nguy hiểm.