“Chiến đấu, đối thoại và xây dựng” - là thông điệp mà bà Clinton muốn đưa ra, nhằm tóm lược nhiệm vụ của nước Mỹ ở hai nước này.
Phát biểu hôm 20/10 trong khuôn khổ chuyến thăm bất ngờ đến Afghanistan, bà Clinton cho rằng, Mỹ, Afghanistan và Pakistan cần tập trung tiêu diệt những nhóm phiến quân không thể hòa giải được, đồng thời đối thoại với những bên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, trong khi đó vẫn phải tiếp tục xây dựng nền kinh tế phát triển hơn nữa.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, bà Clinton nói: “Thông điệp của chúng tôi là hết sức rõ ràng. Chúng tôi sẽ chiến đấu, đối thoại và xây dựng. Họ có thể ủng hộ hoặc cản trở, nhưng chúng tôi sẽ không dừng các nỗ lực để tạo nên nền tảng vững chắc hơn cho một đất nước Afghanistan không bạo lực, không xung đột, không bị can thiệp và mở ra cơ hội để đất nước này dành lấy tương lai cho chính họ”.
Bà Clinton cũng khẳng định, vẫn còn 1 cơ hội cho Taliban ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, tuy nhiên nhóm phiến quân này sẽ phải đối mặt với những cuộc tấn công liên tiếp nếu vẫn tỏ ra “cứng đầu”.
Tối cùng ngày, bà Clinton đã đến thủ đô Islamabad của Pakistan để gặp Tổng thống và các quan chức cấp cao tình báo, quốc phòng và ngoại giao của Pakistan. Hai bên đã thống nhất sẽ không công khai chỉ trích lẫn nhau, nhằm làm dịu những căng thẳng sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan hồi tháng 9 vừa qua.
Về quan hệ với Afghanistan và hòa bình Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh, sự hợp tác của Pakistan trong tiến trình hòa bình là điều then chốt, đảm bảo các nhóm phiến quân không tìm được nơi trú ẩn ở nước láng giềng có biên giới dài nhất với Afghanistan này.
Chuyến thăm 2 nước Trung Đông này của bà Clinton diễn ra trong bối cảnh đã có nhiều vụ tấn công vào các quan chức cấp cao địa phương, và thậm chí cả Đại sứ quán Mỹ ở ngay thủ đô của Afghanistan. Trong đó nổi lên là vụ ám sát đặc phái viên về hòa bình của Tổng thống Afghanistan, ông Burhanuddin Rabbani. Vụ việc đã khiến quan hệ của Afghanistan và Mỹ với Pakistan trở nên căng thẳng. Nhiều quan chức Afghanistan cho rằng Chính phủ Pakistan có liên quan tới vụ ám sát này.
Các quan chức Mỹ cũng cáo buộc rằng, Chính quyền Pakistan một mặt lên tiếng phản đối Taliban, mặt khác vẫn hỗ trợ các nhóm phiến quân. Tuy nhiên, chính phủ Pakistan bác bỏ tất cả mọi cáo buộc của Mỹ và Afghanistan.
Các nhà phân tích cho rằng, thông điệp ngắn gọn “chiến đấu, đàm phán và xây dựng” mà bà Clinton đưa ra được xem là chìa khóa then chốt để giải quyết những căng thẳng và bế tắc giữa 2 nước láng giềng Trung Đông và Mỹ hiện nay./.