Ủy ban chuyên trách LHQ thảo luận về vấn đề Palestine

14:10, 01/10/2011

Ủy ban này hôm 30/9 đã có cuộc họp đầu tiên để xem xét đơn xin gia nhập của Palestine.

Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Lebanon tại LHQ Nawaf Salam cho biết, Ủy ban chuyên trách đã quyết định lấy ý kiến của các chuyên gia xem xét liệu yêu cầu của Palestine có phù hợp với các nguyên tắc của hiến chương LHQ hay không. Các chuyên gia sẽ nghiên cứu các mặt kỹ thuật của yêu cầu vào tuần tới.

 

“Ủy ban chuyên trách của LHQ đã tiến hành cuộc họp đầu tiên để xem xét đơn xin gia nhập của Palestine. Ủy ban đã quyết định họp bàn vào tuần tới ở cấp chuyên gia và chủ tịch ủy ban sẽ trình báo cáo về công việc của ủy ban lên Hội đồng bảo an trong 2 tuần tới” – ông Salam cho biết.

 

Đơn xin gia nhập của Palestine chỉ cần nhận được sự ủng hộ của 8/15 phiếu để được thông qua tại ủy ban chuyên trách này và sau đó sẽ được gửi trở lại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

 

Thông thường, thời gian xem xét việc kết nạp thành viên mới tối đa là 35 ngày. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, “cuộc mặc cả” này có thể phải kéo dài nhiều tuần, thậm chí là lâu hơn nữa. Đại sứ Palestine tại Riyad Mansour bày tỏ hy vọng quá trình này sẽ không kéo dài quá lâu.

 

“Chúng tôi hi vọng các chuyên gia sẽ giải quyết vấn đề trong một thời gian ngắn, để chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 10 là Đại sứ Nigeria tại LHQ có thể trình báo cáo về công việc của Ủy ban lên Hội đồng bảo An. Chúng tôi hi vọng quá trình này sẽ kết thúc trong thời gian ngắn nhất” – ông Mansour nói.

 

Ngày 23/09 vừa qua Bất chấp sự phản đối của Israel và Mỹ, Tổng thống Palestine Abbas đã có một bước đi lịch sử khi đệ đơn đề nghị LHQ công nhận là thành viên đầy đủ của tổ chức lớn nhất hành tinh này.

 

Nếu được thông qua, Palestine sẽ trở thành thành viên thứ 194 của LHQ với các đường biên giới trước năm 1967, bao gồm Khu Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza.

 

Tuy nhiên Mỹ đã công khai và liên tục phản đối nỗ lực của Palestine, đồng thời dọa sẽ bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Theo các nhà phân tích, việc Mỹ vì muốn bảo vệ lợi ích của Israel mà sử dụng đặc quyền này của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an khiến bước đi đầu tiên của người Palestine để được công nhận là nhà nước độc lập có nguy cơ trở thành một động thái mang tính biểu tượng hơn là một quá trình thực tế.

 

Song, có thể nói, nếu Mỹ phủ quyết đề nghị này, thì chẳng khác nào họ ngăn cản việc đạt được giải pháp hai nhà nước mà chính Tổng thống Mỹ Ba Obama cổ súy suốt 3 năm qua.

 

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Abbas đã khẳng định mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Palestine, đồng thời nhấn mạnh, quyết định của Palestine không phải là nhằm “cô lập hay làm mất đi tính chính đáng của Israel”, mà nhằm chống lại sự chiếm đóng và xây các khu định cư Do Thái. Bước đi của Palestine là hợp lý và cần thiết. Và nỗ lực của Palestine đã nhận được một sự đồng thuận chưa từng có, với hơn 120 nước đã tuyên bố ủng hộ./.