Vệt dầu đang loang rộng

07:59, 18/10/2011

Từ New York (NY) Mỹ, cuộc phản đối sự lũng đoạn của giới tài chính phố Wall - do giới trí thức và sinh viên NY khởi xướng từ ngày 17-9 mang tên "Chiếm lấy phố Wall" - đã trở thành trào lưu và loang rộng không chỉ khắp 51 bang của Mỹ mà còn tại nhiều nước trên thế giới.

 

Đến nay đã có 951 thành phố từ châu Âu, châu Á đến Nam Mỹ và châu Phi đã gia nhập cuộc chiến "Chiếm lấy phố Wall". Một câu hỏi được đặt ra là, vì sao các cuộc xuống đường vì lý do kinh tế lại lan nhanh và loang rộng đến vậy? Câu trả lời không mấy khó khăn, đó là sự cách biệt giàu nghèo và bất công xã hội đã đến giới hạn. Nó cũng chỉ ra rằng, nước Mỹ đang bước vào một cuộc đấu tranh giai cấp không thể lảng tránh. Không chỉ là sự bất mãn với chính sách tài chính của chính phủ, người biểu tình phẫn nộ vì nguy cơ mất việc làm ngày càng gia tăng vì tác động của khủng hoảng kinh tế và khoảng cách giàu nghèo ngày một nới rộng ở xứ Cờ hoa.

 

Người dân Mỹ có lý do để nổi giận khi mỗi ngày, hàng triệu người Mỹ phải đối mặt với cảnh mất công ăn việc làm, thu nhập giảm. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ mất nhà cửa và lâm vào nghèo đói; đồng thời con cái họ không thể đến trường... Suốt từ đầu năm 2009 tới nay, nạn thất nghiệp tại Mỹ luôn ở mức cao hơn 9%. Tầng lớp lao động Mỹ cho rằng khó khăn hiện nay họ đang phải gánh chịu có nguồn gốc từ năng lực điều hành kinh tế kém cỏi và không công bằng của nhà cầm quyền. Nhiều thập kỷ nay, Mỹ chưa khi nào lâm vào tình trạng kinh tế tồi tệ nghiêm trọng như lúc này. Hệ thống tài chính mặc dù đã được Chính phủ ra tay cứu trợ nhưng vẫn rối loạn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến khủng hoảng. Trong khi đó, những ông chủ ngân hàng, các nhà tài phiệt Phố Wall - những người bị dân Mỹ coi là "thủ phạm" gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008 - dường như ngày càng nhận được nhiều "ưu ái" hơn từ Chính phủ Mỹ qua các gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ USD. Những định chế tài chính hiện nay của Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má lên vai những người nghèo khó và giới trung lưu. Hiện tại, chỉ 1% người giàu tại Mỹ nhưng chiếm tới 21% thu nhập và 35% tài sản của đất nước. Đó là kết quả của một sự phát triển không thể gọi là công bằng. Đây là nỗi thất vọng lớn với 99% dân Mỹ. Họ đã chờ ba năm để chính quyền của Tổng thống B.Obama tìm ra giải pháp, nhưng những nhu cầu thiết yếu của đa số người dân vẫn bặt vô âm tín. Và cuộc "Chiếm lấy phố Wall" được cho chỉ là khởi đầu cho một chuỗi những hành động đòi sự bình đẳng hơn trong xã hội. Dù chỉ là tự phát và chưa có một tổ chức cụ thể nhưng trào lưu phản đối bất bình đẳng quá sâu trong chất lượng cuộc sống từ Mỹ đang lan rộng khắp thế giới.

 

Lỗ hổng lớn được nhìn thấy ngày một rõ qua chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ - từ an sinh xã hội đến đời sống của các tầng lớp dân cư, nhất là dân nghèo và giới trung lưu - đang bị khoét sâu. Sự mất cân đối trong điều hành tài chính vĩ mô của một nền kinh tế thị trường hàng đầu thế giới đang được cho là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ làn sóng chống suy thoái kinh tế kiểu mới tại nơi được coi là thiên đường của tự do. Tổng thống Mỹ B.Obama cũng thừa nhận rằng, các cuộc biểu tình là dấu hiệu của sự bất bình mà nhiều người Mỹ phải gánh chịu sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 

Từ Mỹ, cuộc nổi giận "tài chính" đang loang rộng đến nhiều nước trên thế giới là hồi chuông cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia rằng, chính sách kinh tế phải gắn với an sinh xã hội; phát triển kinh tế phải gắn với công bằng xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo quá lớn trong một xã hội hiện đại sẽ đưa lại hậu quả khôn lường. Cuộc xuống đường vì hố sâu giàu - nghèo khởi nguồn từ NY đang lan rộng ở Mỹ và trên thế giới cho thấy: chủ nghĩa tư bản dù đã phát triển đến đỉnh cao chưa bao giờ thuộc về tầng lớp nhân dân lao động.