Ai Cập bầu cử trong bạo lực

16:35, 28/11/2011

Cuộc bầu cử tại Ai Cập diễn ra trong bối cảnh chia rẽ chính trị trong nước và các cuộc biểu tình chống đối Hội đồng Quân sự cầm quyền gia tăng.

Giai đoạn đầu của cuộc bầu cử Quốc hội sẽ kéo dài tới ngày 5/12 và được tổ chức tại 9 thành phố và bầu ra 168 ghế trong Quốc hội. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tối cao Abdel-Moez Ibrahim mới đây thông báo, hơn 4.500 chánh án sẽ tham gia giám sát các điểm bỏ phiếu trên cả nước trong giai đoạn đầu tiên của cuộc bầu cử.

 

Chủ tịch Ibrahim cho biết, Ủy ban Bầu cử phản đối mọi sự giám sát quốc tế đối với công tác bầu cử ở nước này, vì điều này đi ngược lại với chủ quyền của Ai Cập và sẽ không bao giờ được chấp thuận.

 

Theo Chủ tịch Ibrahim, hơn 100.000 trong tổng số 350.000 người dân Ai Cập ở nước ngoài đã bỏ phiếu tại Sứ quán và Lãnh sự Ai Cập trên thế giới trong mấy ngày qua.

 

Tổng số cử tri trong vòng bầu cử đầu tiên chiếm 35% tổng số cử tri đã đăng ký, với khoảng 50 triệu người. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quân sự các lực lượng vũ trang (CSFA) Hussein Tantawi thông báo, các lực lượng an ninh và quân đội vũ trang đã lên kế hoạch bảo vệ các điểm bỏ phiếu. 

 

Ông Tantawi cũng kêu gọi người dân Ai Cập tham gia bỏ phiếu đầy đủ, vì đây chính là con đường duy nhất đi lến dân chủ hóa và chính quyền dân sự.

 

Trước đó, ngày 27/11, với sự tham gia của khoảng 1 triệu người, Liên minh Thanh niên Cách mạng (RYC) đã tiến hành một cuộc tuần hành quy mô lớn để yêu cầu chính quyền quân sự Ai Cập từ bỏ quyền lực, trao lại chính quyền cho một chính phủ dân sự.

 

Những người biểu tình một lần nữa đã chiếm Quảng trường Tahrir, nơi mà trước đó họ đã tụ tập để yêu cầu Tổng thống Mubarak phải từ chức. Nhưng lần này, mục tiêu của họ là các nhà lãnh đạo quân sự, những người đã lấp khoảng trống quyền lực ở Ai Cập, sau khi ông Mubarak ra đi.

 

Người biểu tình đã chặn lối vào trụ sở Quốc hội, phản đối việc CSFA chỉ định ông Kamal al-Ganzuri làm Thủ tướng tạm quyền. Họ cũng yêu cầu truy tố những người đã gây ra thương vong trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh những ngày qua, khiến 42 người thiệt mạng, đồng thời tuyên bố tẩy chay cuộc tổng tuyển cử.

 

Trước tình hình đó, Chủ tịch CSFA Hussein Tantawi cảnh báo hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu đất nước này không vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời kêu gọi cử tri tham gia cuộc bầu cử Quốc hội ngày 28/11.

 

Giới quan sát nhận định, rất khó dự đoán được kết quả của cuộc bầu cử. Khả năng lực lượng Anh em Hồi giáo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử là rất lớn, nhưng không phải là chiến thắng tuyệt đối. Do không có được đa số tại Quốc hội, tổ chức Anh em Hồi giáo buộc phải có những thỏa hiệp và liên minh để thành lập chính phủ./.