Ai Cập trước bầu cử: Bất ổn bao trùm

08:20, 23/11/2011

Chưa đầy một tuần nữa, Ai Cập sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử quan trọng, mang tính lịch sử. Theo kế hoạch, cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân (Hạ viện) sẽ được tổ chức thành ba vòng vào các ngày 28-11, 14-12 và 3-1-2012.

Bầu cử Hội đồng Shura (Thượng viện) cũng được chia làm ba vòng, bắt đầu từ ngày 29-1-2012 và kết thúc vào ngày 11-3-2012. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Ai Cập kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ (hồi tháng 2-2011). Tuy nhiên, những kỳ vọng về cuộc bầu cử được cho là sẽ mở ra thời kỳ mới, ổn định cho quốc gia Bắc Phi này đang bị phủ bóng đen bởi làn sóng bạo lực, biểu tình.

 
Kể từ khi các cuộc biểu tình bùng phát (19-11) đến nay, các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Quảng trường Tahir, trung tâm thủ đô Cairo, đã khiến hơn 30 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương. Căng thẳng không có dấu hiệu lắng dịu, tối 21-11, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (CSFA), hiện nắm quyền điều hành đất nước, đã kêu gọi các lực lượng chính trị họp khẩn cấp để tìm ra các giải pháp vãn hồi tình trạng hiện nay. Ngày 22-11, chính quyền quân sự và các lực lượng chính trị tại Ai Cập đã chính thức khởi động tiến trình đối thoại dân tộc. Trước đó vài giờ, Người phát ngôn Chính phủ Ai Cập Mohamed Hijazi cho biết, chính phủ của Thủ tướng Essam Sharaf đã đệ đơn từ chức lên CSFA. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về việc liệu CSFA có chấp nhận quyết định này hay không. Nhiều nguồn tin cho biết, hiện tại, CSFA đang tìm kiếm thỏa thuận về một thủ tướng mới trước khi chấp nhận đơn từ chức do chính phủ của Thủ tướng E.Sharaf đệ trình.

 

Trong khi đó, người biểu tình tiến về Quảng trường Tahir ngày một đông. Riêng tối 21-11, ước tính số người tham gia đã lên tới 50.000 người, trong khi các vụ đụng độ với lực lượng an ninh vẫn tiếp tục diễn ra. Gần Quảng trường Tahir, nhiều trại lớn đã được dựng lên. Nhiều xe ô tô đã bị đốt cháy. Các binh sĩ Ai Cập đã phải tiến vào nhiều khu phố ở thủ đô Cairo để bảo vệ trụ sở Bộ Nội vụ. Tướng Saeed Abbas, trợ lý của Chủ tịch Bộ Tư lệnh trung ương cho biết, quân đội sẽ không tiến vào Quảng trường Tahir, nhưng sẽ đứng giữa để ngăn người biểu tình tiến vào trụ sở Bộ Nội vụ.

 

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại khi căng thẳng tại Ai Cập ngày một lan rộng. Ngày 21-11, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đã lên án tình trạng đổ máu ở Ai Cập. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay cho rằng các vụ bạo động này rất đáng lo ngại. Bộ Ngoại giao Anh cũng đã lên án các hành vi bạo lực, còn Italia và Đức đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình trạng này...

 

Theo giới quan sát, "cơn giận dữ" của dân chúng Ai Cập tăng lên do tiến trình cải cách chậm chạp và có những phỏng đoán rằng các viên tướng quân sự đang cầm quyền sẽ lấn át chính phủ dân sự trong tương lai. Đặc biệt những bất đồng xung quanh quyết định của Tòa án Ai Cập, ngày 14-11, cho phép các thành viên đảng cầm quyền cũ "đảng Dân chủ dân tộc" (NDP) của Tổng thống bị lật đổ H.Mubarak tham gia cuộc bầu cử quốc hội. Trên thực tế, NDP đã bị tòa án giải tán hồi tháng 4-2011. Các đảng viên NDP (với số lượng khoảng 3 triệu người trong thời kỳ cầm quyền của ông H.Mubarak) được cho là đã đệ đơn xin ứng cử qua danh sách của các đảng khác hay các đảng mới do họ thành lập hoặc với tư cách là những ứng cử viên độc lập. Người biểu tình không chấp nhận điều này. Tình trạng hỗn loạn vì thế tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội ở quốc gia Bắc Phi này.

 

Thực tế, kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước, CSFA đã thực hiện nhiều giải pháp như đẩy nhanh cải cách chính trị và kinh tế… nhằm đáp ứng đòi hỏi của người biểu tình. Chính điều đó đã tạo ra một hệ lụy vô cùng nguy hiểm trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Dư luận khu vực cho rằng, nền dân chủ ở nước này đang bị lạm dụng, nếu chính quyền quân sự Ai Cập nhượng bộ đòi hỏi của người biểu tình và chuyển giao quyền lực cho một chính quyền còn non kém, Ai Cập sẽ rơi vào vòng xoáy mới nguy hiểm. Cục diện chính trị tại Ai Cập trước thềm cuộc bầu cử sắp diễn ra, đang đứng trước lo ngại biến thành những vụ xung đột đẫm máu.